Để tìm ra những lát cắt và gốc rễ của vấn đề xuất khẩu trái cây chính ngạch vào thị trường Trung Quốc như thế nào, Dân Việt sẽ có loạt bài phản ánh thực tế. Những hệ lụy dễ thấy nhất từ vụ ùn ứ 5.000 xe conteiner hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là giá nhiều loại trái cây như mít Thái, xoài... đang giảm giá sập sàn.
Giá mít rớt sập sàn, còn 5.000-6.000 đồng/kg
Nhiều nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc đang lo lắng vì họ đã chuẩn bị hàng để bán trong dịp Tết cổ truyền. Tình trạng thông quan nhỏ giọt khiến hàng hóa ùn ứ, trái cây rớt giá thê thảm ngay tại vườn.
Tại Đồng Nai, hiện thanh long ruột đỏ xuất khẩu đang được thu mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg vào tháng trước thì nay rớt chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg.
Xoài Đài Loan trước đang có giá 30.000-35.000 đồng/kg thì nay thương lái tạm ngưng thu mua vì không xuất khẩu được. Giá xoài bán cho thị trường nội địa chỉ còn vài ngàn đồng/kg.
Ông Đặng Văn Đồng ở xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Na) có 3ha đất trồng các loại mít Thái siêu sớm kể, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, giá mít tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá mít chỉ tăng được một thời gian ngắn. Khi nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, thương lái ép giá xuống còn 700 đồng/kg mít sô; 1.000 đồng/kg với mít đẹp.
Thế nhưng, đầu ra cũng rất hạn chế, chủ yếu là do thương lái trong nước thu mua, lột vỏ làm mít sấy. Vụ mít này anh Đồng thu khoảng 60 tấn trái. Sau khi trừ chi phí anh thua lỗ 80 triệu đồng.
Bán ra chợ không xuể
Nhiều loại nông sản ĐBSCL cũng đang rớt giá mạnh. Xoài Đài Loan chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg; giảm một nửa so với tuần trước. Mít Thái cũng rớt giá thê thảm khi khi chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg mua tại vườn.
Các loại trái cây khác như sầu riêng, xoài cát chu, thanh long, dưa hấu cũng giảm từ 4.000-10.000 đồng/kg.
Anh Tôn Long Hùng đang trồng 600 gốc mít ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, vừa bán 300kg mít nhưng chỉ nhận được 1,3 triệu đồng.
Theo anh Hùng, tiền bán mít thấp do mít loại 1 chỉ được 3 trái, còn lại là mít loại 2, loại 3 và mít chợ.
Đặc biệt, thương lái mua giá mít loại 1 tại vườn chỉ còn 14.000 đồng/kg. Các giá mít khác từ 5.000-8.000 đồng/kg. Giá mít kem loại nhỏ, mít chợ (5kg/trái) chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Cũng theo anh Hùng, thời điểm này thương lái mua mít khá "chát". "Lái lựa mít da xanh chành, tròn dình, múi bự mới xếp vô mít nhứt (loại 1). Thương lái vạt mặt mà thấy múi nhỏ nhiều là loại khỏi mít nhứt ngay", anh Hùng thổ lộ.
Anh Hùng cho biết, hiện mỗi tuần anh cắt mít bán một lần. Nếu container không chạy lại, giá mít loại 1 sẽ xuống còn 6.000-7.000 đồng/kg như đã từng xảy ra. "Chỉ mong Trung Quốc "ăn" lại chứ giá mít giờ quá bèo", anh Hùng bộc bạch.
Theo anh Nguyễn Tân, một lái mít ở tỉnh Hậu Giang, việc giá mít quá rẻ khiến thương lái cũng khó mua cho nông dân. Thương lái nhìn mít bán ở chợ mà tính đường mua mít. Nếu chợ bán đắt thì thương lái nâng giá lên, còn chợ ế thì hạ giá xuống.
Việc nông dân trồng mít kêu ca thương lái ép giá, lựa mít khắt khe để mua rẻ, anh Tân cho biết, họ không làm việc đó.
"Mua bán phải giữ mối. Bà con gọi thì thương lái đến mua mít để giữ mối. Căn cứ thị trường thương lái sẽ cho giá với bà con nông dân. Được thì bà con bán, thương lái không ép giá, hay thẳng tay loại mít ra nhóm 1 để mua rẻ", anh Tân chia sẻ.
Theo anh Cai Thanh Hải (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, Long An), một thương lái thu mua mít, hiện giá mít sập sàn không hẳn vì đã vào vụ thu hoạch rộ.
"Vụ mít thu hoạch rộ phải vào tháng 1 tới. Hiện, lượng mít thu hoạch là trung bình", anh Hải cũng cho biết, thường các năm, vào thời điểm này giá mít cao ngất ngưỡng. Cách đây khoảng chục ngày, giá mít loại 1 còn ở mức 20.000 đồng/kg. "Giá mít xuống thấp do kẹt công ở cửa khẩu chứ không phải là thu hoạch rộ", anh Hải chia sẻ.
Cũng theo anh Hải, nếu tình hình xuất khẩu mít sang thị trường Trung Quốc không sáng sủa, thì khi bước vào vụ mít thu hoạch rộ sắp tới, giá mít sẽ rất tệ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tổng diện tích sản xuất mít ở khu vực Nam bộ hiện khoảng 43.200ha. Trong đó, riêng khu vực ĐBSCL khoảng 30.600ha.
Cục Trồng trọt dự báo, tổng sản lượng mít cung cấp ra thị trường năm 2021, riêng khu vực ĐBSCL là khoảng 330.000 tấn. Trong đó, quí 4/2021 khoảng 115.600 tấn. Ở khu vực Đông Nam bộ, năm 2021 dự báo có 120.000 tấn mít được cung ứng ra thị trường. Trong đó quí 4/2021 là 44.700 tấn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:
Sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT để giải quyết hàng nghìn conteiner nông sản ùn ứ sang Trung Quốc
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu nhưng trước nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe.
Đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng container ùn ứ ở cửa khẩu sang Trung Quốc, ông Diến nhấn mạnh, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã có những trao đổi với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong thông quan.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho Olympic mùa đông, kiến nghị Thủ tướng thông qua Bộ Ngoại giao điện đàm, có công thư với Thủ tướng Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ xuất khẩu" - ông Diên đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Diên đề nghị các địa phương, doah nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử để tiêu thụ khối lượng nông sản lớn, như cách chúng ta đã làm thành công hồi tháng 6, 7.
"Thời gian tới, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương phối hợp đẩy mạnh tiến độ đàm phán để tăng thêm mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp để chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, phát triển thị trường mới, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống" - ông Diên nói.
Anh Thơ
Còn nữa