Ùn ứ nông sản sang Trung Quốc: Đường sắt Lạng Sơn có thể vận chuyển 4000 tấn hàng/ngày

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 29/12/2021 09:34 AM (GMT+7)
Trước tình trạng ùn ứ nông sản sang Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực tìm những giải pháp để giảm tải ùn tắc, đồng thời tích cực hội đàm với phía Trung Quốc để đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu hàng hóa theo tuyến đường sắt liên vận.
Bình luận 0

Lạng Sơn đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu theo đường sắt liên vận

Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và Chi Ma (huyện Lộc Bình) được thông thương hàng hóa. Song năng lực thông quan hạn chế, mỗi ngày chỉ xuất khẩu được không quá 80 xe hàng.

Tính đến sáng 28/12, vẫn còn trên 3.800 xe "ăn chực, nằm chờ" tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn với hàng trăm nghìn tấn nông sản, trái cây tươi đang chờ xuất khẩu.

Trước tình trạng ùn ứ phương tiện chở hàng hóa kéo dài, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã họp bàn, trao đổi với phía Trung Quốc về đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu theo tuyến đường sắt liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ.

Đường sắt Lạng Sơn  có thể chở 4000 tấn hàng xuất khẩu mỗi ngày  - Ảnh 1.

Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng sẵn sàng vào cuộc giải phóng tình trạng ùn ứ nông sản sang Trung Quốc. Ảnh: Gia Tưởng

Ông Phạm Đức Khái, Trưởng Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng cho biết, từ đầu năm nay đến 30/11, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng Đăng (Lạng Sơn) đạt hơn 142 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là tinh quặng, cây huyết đằng, đồ gỗ mỹ nghệ, ván gỗ ép….

Một ngày tại Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng có thể chạy đến 4 chuyến Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) với khối lượng hàng hóa chuyên chở có thể lên đến 1.000 tấn/chuyến, lớn hơn rất nhiều so với thực hiện xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ.

Nếu thực hiện xuất khẩu hàng hóa qua đường sắt, doanh nghiệp cũng sẽ giảm được chi phí vận chuyển, cùng với đó sẽ góp phần giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 do số lượng người tập trung rất ít.

Ông Phạm Đức Khái cho biết thêm: "Hiện tại việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc là hết sức thuận lợi. Các doanh nghiệp có thể sử dụng xe container chở hàng đến tận ga (nơi đã phân luồng xếp dỡ sẵn), sau đó bốc xếp lên tàu và xuất thẳng sang Trung Quốc. Đoàn tàu sẽ do nhân viên đường sắt Trung Quốc kéo về. Tất cả nhân viên tổ tàu chỉ khoảng 7 người và nhân viên 2 bên đều không tiếp xúc trực tiếp với nhau, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch".

Cũng theo ông Khái, nếu xuất khẩu nông sản qua đường sắt chắc chắn sẽ giảm bớt được một phần ách tắc hiện nay tại các cửa khẩu đường bộ. Đơn vị cũng bố trí người trực 24/24, phục vụ xếp dỡ, dồn toa tàu, phối hợp với các lực lượng phun khử khuẩn… để tàu sang Trung Quốc một cách thuận lợi và nhanh nhất.

Đường sắt Lạng Sơn  có thể chở 4000 tấn hàng xuất khẩu mỗi ngày  - Ảnh 2.

Phun khử khuẩn ở các toa tàu xuất khẩu. Ảnh": Gia Tưởng

DN Trung Quốc vẫn chưa chủ động nhận hàng qua tuyến đường sắt liên vận 

Tuy việc xuất khẩu hàng qua tuyến đường sắt có nhiều thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn. Nguyên nhân do các doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn chưa chủ động nhận hàng qua tuyến đường sắt liên vận này.

Mặt khác, hàng hóa thông quan tại đây đều phải là hàng chính ngạch, đầy đủ tính pháp lý từ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng… Chính vì vậy, lượng hàng nông sản, hoa quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo tuyến đường sắt liên vận vẫn còn rất hạn chế.

Bà Cao Hoài Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng Đăng cho biết, trước tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn, việc các doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu nông sản qua đường sắt sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đây là 1 trong những biện pháp hữu hiệu vừa giải tỏa ách tắc, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chi cục cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng sẵn có liên quan đến kho, bãi để phục vụ phương án này.

"Chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến các doanh nghiệp làm sao để trao đổi với các đối tác Trung Quốc để chuyển hướng mở tờ khai xuất khẩu qua đường sắt. Đồng thời, đề xuất kiến nghị với các ngành, các cấp để có những cuộc trao đổi hội đàm với nước bạn để làm sao có sự thống nhất trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang loại hình này. Chi cục cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng", bà Phương cho hay.

Đường sắt Lạng Sơn  có thể chở 4000 tấn hàng xuất khẩu mỗi ngày  - Ảnh 3.

Lực lượng hải quan tích cực làm việc thông quan hàng hóa tại Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng Đăng. Ảnh: Gia Tưởng

Việc xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt liên vận được coi là một phương án hữu hiệu để giải phóng hàng nghìn container đang "mắc kẹt" tại các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đang tích cực hội đàm với các đơn vị liên quan của Trung Quốc. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp nước bạn thực hiện nhận hàng qua tuyến đường sắt liên vận nhằm thúc đẩy thông quan và giải phóng hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu một cách nhanh nhất có thể.

Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng sẵn sàng phương án vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt qua Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng Đăng, chỉ còn đợi phía bạn tiếp nhận hàng hóa bằng hướng này.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem