Dân Việt

Sự thật về thái độ của phương Tây đối với Ukraine

Tuấn Anh (Theo The Week) 30/12/2021 09:32 GMT+7
Các nước phương Tây trong 30 năm qua đã sử dụng Ukraine để đạt được các mục tiêu của bản thân họ, nhà báo Ryan Cooper viết trong bài báo đăng trên The Week.
Sự thật về thái độ của phương Tây đối với Ukraine - Ảnh 1.

Ảnh The Week.

Trong những ngày qua, phương Tây luôn cảnh báo về một cuộc "xâm lược" của Nga đối với Ukraine mặc dù Moscow nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Trong trường hợp Putin có kế hoạch tấn công Ukraine thực sự, thì theo một số chuyên gia,  lý do chính là sự kém cỏi về mặt ngoại giao của Mỹ và các đồng minh chính của họ ở Tây Âu. Các quốc gia phương Tây đã nhiều lần nêu ý kiến phản đối việc Putin sử dụng Ukraine làm đại diện nhưng từ chối cung cấp tiền bạc hoặc sức mạnh quân sự để thực sự bảo vệ Ukraine.

Tác giả Ryan Cooper viết trên tờ The Week rằng: "kể từ khi Liên Xô tan rã, phương Tây đã đối xử với Ukraine hoặc là với thái độ coi thường thậm tệ, hoặc như một món đồ chơi . Chính các nhà kinh tế và chính phủ phương Tây chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng giáo điều tân tự do đã thực hiện quá trình tư nhân hóa tài sản Ukraine với quy mô lớn trong những năm đầu tiên thời kỳ hậu xô viết. Điều này dẫn đến thảm họa kinh tế và bệnh dịch tham nhũng thực sự mà đất nước này cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục được".

Cụ thể vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ ảnh hưởng nặng nề đến Ukraine vì nước này có các khoản nợ lớn bằng ngoại tệ.

Với sự hậu thuẫn ngầm của Mỹ, Liên minh châu Âu đã đưa ra một khoản cho vay 610 triệu euro không tương xứng cùng với các yêu cầu về thắt lưng buộc bụng tàn bạo. Như nhà sử học Adam Tooze đã viết trong cuốn sách Crashed của mình, "Có những nhà tài phiệt Ukraine có tài sản cá nhân lớn hơn thế này."

Putin đã đề nghị ngược lại với một khoản vay trị giá 15 tỷ USD, một nỗ lực nhằm lôi kéo Ukraine khỏi phương Tây. Các nhóm Ukraine tự do và thân EU, lo sợ Nga và được các cường quốc phương Tây hậu thuẫn, đã phát động một cuộc cách mạng lật đổ cựu tổng thống và ký thỏa thuận với EU. Đáp lại, Putin sáp nhập Crimea và bắt đầu một cuộc xung đột bùng nổ ở miền đông Ukraine kéo dài cho đến ngày nay.

Tóm lại, các cường quốc phương Tây đã nhiều lần lợi dụng Ukraine để chọc ngoáy cho Putin, giáng đòn tấn công Nga, nhưng họ không cung cấp cho nước này các nguồn lực cần thiết để thực hiện liên minh với phương Tây một cách tốt đẹp và cũng không đưa ra đủ cam kết quân sự để răn đe Nga.

"Sự cao ngạo đó, cộng thêm sự thiếu am hiểu của NATO đã bao trùm thái độ đối với Nga và Ukraine. Mục đích tuyên bố thành lập của Liên minh này là chống lại Liên Xô và ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Cả hai đối tượng đó không còn tồn tại 30 năm nay, nhưng NATO tiếp tục mở rộng một cách ấu trĩ trong suốt những năm 1990 và 2000. Có vẻ như không ai trong đầu nảy sinh ý nghĩ rằng Nga có thể nhận định NATO vẫn là một liên minh chống Nga như trước. Và Moscow có thể có những nguyên nhân dễ hiểu để lo ngại về sự hiện diện quân sự của phương Tây ở Ukraine",  nhà báo viết.

Như Cooper chỉ ra, rõ ràng Mỹ và Tây Âu không muốn điều quân đội của họ đến bảo vệ Ukraina, vì đối với họ, xung đột ở nước này chỉ là một "vấn đề nhỏ" trong bối cảnh "quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đang lớn mạnh", đại dịch, biến đổi khí hậu và những vấn đề khác.

"Nhưng thay vì trực tiếp và thẳng thắn thừa nhận sự thật này, các cường quốc phương Tây - và đặc biệt là Mỹ - lại liên tục từ chối việc giảm bớt thiệt hại của mình, ngừng "chọc giận" và trêu tức Putin và cố gắng đạt được một sự hòa hoãn nào đó. Và Ukraine sẽ lại là đối tượng phải gánh chịu hậu quả",  tác giả kết luận.