Chu Nguyên Chương là một trong những vị hoàng đế khai quốc đặc biệt của Trung Quốc, nổi tiếng với việc giết hại các công thần sau khi đăng cơ. Tuy sự đa nghi của ông ta bị nhiều người lên án, nhưng tư duy trị vì của ông cũng luôn có những điều đáng để bàn.
Khi nhà Minh mới thành lập, trong ngoài còn chưa yên, Chu Nguyên Chương vì muốn nhanh chóng ổn định cục diện, làm yên lòng những cận thần đã cùng mình vào sinh ra tử, đã nhanh chóng ban cho họ những "kim bài miễn tử" (kim bài miễn tội chết).
Điều này không chỉ thể hiện sự ưu ái của vị hoàng đế với công thần, mà còn cho thấy ông hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của họ.
Tuy nhiên, có một điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người trong những công thần được ban "kim bài miễn tử" đều bị xử tội chết, vậy kim bài miễn tử kia rốt cuộc có vấn đề gì?
Năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Chu Nguyên Chương xử trảm thừa tướng Hồ Duy Đường tội mưu phản, tru di tam tộc, nhiều phe đảng của ông ta cũng không thoát tội.
Vài năm sau, vị khai quốc công thần Hàn Quốc Công Lý Thiện Trường, là người có liên quan tới vụ mưu phản đó, bị xử tội "thông đồng với kẻ phản nghịch", cũng bị ban chết. Trước sau, những kẻ chủ mưu và liên quan bị xử chém có tới hàng trăm nghìn người.
Tương truyền, trước khi bị đưa ra pháp trường, công thần Lý Thiện Trường từng đưa ra kim bài miễn tử được Chu Nguyên Chương ban cho ngày trước. Lúc đó, vị hoàng đế chỉ nói: "Nhà ngươi nhìn kỹ lại đi!".
Hóa ra, có một điều mà các vị đại thần này đều không chú ý tới, đó là trên góc của mỗi tấm kim bài miễn tử, Chu Nguyên Chương đều đặc biệt cho khắc 4 chữ "mưu nghịch bất hựu" (không tha thứ cho kẻ có mưu đồ mưu phản) rất nhỏ. Các vị đại thần đều đã mắc phải điều đại kỵ trên tấm kim bài, hiển nhiên không thể được miễn tội chết.
Chu Nguyên Chương nổi tiếng là kẻ tâm cơ, ông ta lại là một vị hoàng đế, chắc chắn sẽ nghĩ ra những phương kế khác nhau để không cho kẻ khác phản bội mình. Đây chính là điều mà người khác không làm nổi.
Thời đại quân chủ đã qua, mỗi người chúng ta cũng không còn cần phải toàn tâm toàn ý phục tùng thiên tử như trước nữa.
Song từ câu chuyện về tấm kim bài miễn tử của Chu Nguyên Chương, chúng ta có thể hiểu được một triết lý, một sự thật rằng: Quyền lợi thì luôn đi kèm với nghĩa vụ, đặc ân thì luôn đi kèm với điều kiện đặc biệt. Mối quan hệ giữa người với người giống như một bản hợp đồng vậy, khi anh vi phạm nguyên tắc đã ký, anh phải trả giá.