Tại sao con cháu Chu Nguyên Chương lại để thái giám lũng đoạn triều chính?

Tịnh Tâm Thứ ba, ngày 02/11/2021 16:32 PM (GMT+7)
Chu Nguyên Chương hạ lệnh: Hoạn quan không thể can dự việc triều chính, tại sao Minh triều lại có quá nhiều thái giám lộng quyền? Nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này là gì?
Bình luận 0

Thái giám xuất hiện từ rất sớm trong xã hội phong kiến Trung Hoa. Từ thời Tần Hán đã xuất hiện thái giám, tuy rằng cũng có những vị thái giám tốt như Cao Lực Sĩ, Phùng Bảo, Thái Luân, Trịnh Hòa… nhưng đa phần danh tiếng của thái giám thường không tốt. Cho nên có thể vẫn có nhiều người ác cảm với những người là thái giám.

Đã từng có nhà thơ tên Đường Chân viết một bài thơ để châm biếm thái giám như sau:

"Vọng chi bất tự nhân thân,

Tướng chi bất tự nhân diện,

Thính chi bất tự nhân thanh,

Sát chi bất tự nhân tình."

(Dịch: Nhìn thì không giống người thường, tướng mạo cũng khác người, tiếng nói cũng khác người, lại cũng chẳng thân thiết với người).

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, thái giám gian ác khét tiếng đầu tiên chính là Triệu Cao của nhà Tần. Chính vì những hành vi làm mưa làm gió của Triệu Cao mà một Đại Tần đang hùng mạnh rơi vào cảnh diệt vong chỉ trong vòng vài năm, khiến người đời phải cảm thán: "Người thời Tần không thương tiếc mà hậu nhân phải thương tiếc thay".

Đề phòng thái giám lộng quyền là việc mà nhiều hoàng đế Trung Quốc sau này đã thực hiện trong đó có hoàng đế Minh triều Chu Nguyên Chương.

Tại sao con cháu Chu Nguyên Chương lại để thái giám lũng đoạn triều chính? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Chu Nguyên Chương trên phim truyền hình Trung Quốc.

Chu Nguyên Chương vì muốn củng cố vững chắc hoàng quyền mà ngay cả công thần cũng không tiếc ra tay diệt trừ, cho nên chắc chắn ông không thể dung thứ cho việc hoàng đế rơi vào tay thái giám, thậm chí phải chịu cảnh làm hoàng đế bù nhìn.

Vì muốn loại trừ hiểm họa ngầm này, cho nên sau khi xây dựng nhà Minh, Chu Nguyên Chương đã cho người khắc một tấm bảng sắt lớn, treo trên cửa cung, trên tấm biển khắc chữ: "Nội thần bất đắc can dự chính sự, phạm giả trảm" (Nghĩa là: Thái giám không được phép can thiệp chuyện triều chính, nếu phạm phải chém đầu không tha), nhằm răn đe, không để mối họa ngầm này có cơ hội manh nha.

Vì muốn để các đại thần trong triều thấy rõ quyết tâm của mình, Chu Nguyên Chương thậm chí còn không ngại xử phạt một lão thái giám đã theo ông từ rất lâu.

Theo Sohu, năm Hồng Vũ thứ 10 (tức năm 1377), khi Chu Nguyên Chương đang phê duyệt tấu chương, có một lão thái giám hầu hạ bên cạnh nhìn thấy một lỗi sai rõ ràng trên công văn, cho nên có ý tốt muốn nhắc nhở vua.

Mặc dù Chu Nguyên Chương cũng biết vị thái giám này cũng chỉ là ý tốt, nhưng vì vừa mới ban lệnh xong nên để "giết gà dọa khỉ", Chu Nguyên Chương hạ lệnh đuổi vị thái giám này về quê cũ, mãi mãi không được bước chân vào cung. Sau sự việc này, các thái giám trong cung cũng không dám bàn đến chuyện chính sự nữa.

Theo ghi chép trong "Minh Thái Tổ bảo huấn mục lục", Chu Nguyên Chương từng đánh giá thái giám với các cận thần của mình như sau: "Thử bối tự cổ dĩ lai, cầu kỳ thiện lương, thiên bách trung bất nhất nhị kiến. Nhược dụng dĩ nhĩ vi mục, tức nhĩ mục tế hĩ, dĩ vi phế tâm, tức phế tâm bệnh hĩ. Ngự chi đạo, đãn đang giới sức, sử chi uy pháp, bất khả sử chi hữu công."

Những câu trên tạm hiểu là: Chu Nguyên Chương cho rằng, trong số những thái giám, trăm người mới có một kẻ tốt, cho nên không thể trọng dụng họ, nếu không sẽ tự che mờ mắt mình. Phải khiến họ e sợ mình, không thể để họ lập công lao gì.

Tại sao con cháu Chu Nguyên Chương lại để thái giám lũng đoạn triều chính? - Ảnh 2.

Hình ảnh một thái giám trên phim truyền hình Trung Quốc.

Nhưng tiếc là, quy định suy cho cùng cũng chỉ là do con người lập nên. Mà đã có người lập ra thì ắt sẽ có người thay đổi.

Với những quy định do hoàng đế lập ra, người có thể thay đổi thì cũng chỉ có thể hoàng đế. Chu Nguyên Chương có lẽ đã không nghĩ đến việc quy định do đích thân ông đề ra sẽ có ngày bị con cháu mình thay đổi.

Vậy rốt cuộc, ai trong số các hoàng đế Minh triều đã thay đổi quy định của Chu Nguyên Chương trong việc ứng xử với các thái giám?

Minh Thành Tổ Chu Đệ

Người đầu tiên thay đổi chính sách của Chu Nguyên Chương là con trai ông - Chu Đệ. Tại sao Chu Đệ lại muốn đi ngược với chính sách do chính cha ông định ra?

Câu trả lời là bởi vì thái giám đóng góp công lao rất lớn trong việc giúp ông giành được ngôi vị hoàng đế.

Trước lúc đại quân của Chu Đệ vượt sông Trường Giang, có thái giám trong cung không ngừng tiết lộ tin tức tình báo quan trọng. Những tin tức này đã giúp sức rất nhiều cho Chu Đệ.

Khi ông phát động Tĩnh Nan chi biến, thái giám dưới trướng còn có thể đem quân đi đánh giặc, trong số đó có một thái giám tên là Cẩu Nhi. Người này không chỉ tham gia Tĩnh Nan chi biến mà còn sát cánh chiến đấu với Chu Năng, Chu Cao Hú, sau đó lại cùng Chu Đệ tham gian chiến sự ở Mạc Bắc.

Dựa theo đạo lý có qua có lại, Chu Đệ cũng trao một số quyền lợi cho những thái giám này. Cứ như vậy, đến khi Chu Đệ lên ngôi, câu "Nội thần bất đắc can dự chính sự, phạm giả trảm" thay đổi thành "Nội thần bất đắc thiện tự tác chủ" (tức là thái giám không được phép tự ý hành động).

Tại sao con cháu Chu Nguyên Chương lại để thái giám lũng đoạn triều chính? - Ảnh 3.

Tranh vẽ chân dung hoàng đế nhà Minh Chu Đệ.

Trong thời gian Chu Đệ trị vì, thái giám có thể giám quân, đi sứ nước ngoài, đảm nhiệm vai trò sứ giả, trấn giữ biên cương, còn có thể điều tra quan lại, dân chúng… Ví dụ như Vương An từng giữ chức Giám quân, Mã Thanh từng trấn thủ Giao Chỉ, Cam Túc…

Thái giám nổi tiếng nhất dưới thời Chu Đệ chính là Trịnh Hòa. Trịnh Hòa từng phụng mệnh dẫn theo hai vạn quan binh, hơn bảy nghìn nhân mã cùng mấy chục thuyền lớn, "vượt các quốc gia phía Đông Nam, tiến về Tây Dương". Cho đến ngày nay, tên tuổi Trịnh Hòa vẫn được lưu danh sử sách.

Mặt khác, do kỷ cương những năm đầu thời nhà Minh còn nghiêm chỉnh nên Trịnh Hòa cũng là người cương trực, không a dua, nịnh hót, ông có cống hiến to lớn trong việc giao lưu với bên ngoài, thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa thời nhà Minh.

Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ

Thời gian Minh Tuyên Tông trị vì chỉ vỏn vẹn 11 năm, nhưng 11 năm này lại là thời gian yên bình hiếm có trong lịch sử nhà Minh.

Quan hệ ngoại giao giao hảo, quốc thái dân an, không hề có cuộc chiến tranh lớn nào xảy ra, nhân dân được an cư lạc nghiệp, thậm chí các nhà sử gia còn gọi đó là công lao sánh ngang với Văn Cảnh (thời Văn Cảnh chi trị). Thời kỳ này được gọi là "Nhân Tuyên chi trị" trong lịch sử Trung Quốc.

Tóm lại, Minh Tuyên Tông là một vị hoàng đế tốt. Ông không ham tửu sắc, không thích giết chóc, biết trọng dụng người tài. Trừ việc ông thích chơi chọi dế thì cũng không có tật xấu nào khác.

Song là người ai chẳng có sở thích riêng, hơn thế, Minh Tuyên Tông cũng không vì chọi dế mà bỏ bê quốc sự, chỉ là những văn sĩ khi đó đã yêu cầu quá hoàn hảo về ông.

Tuy nhiên, Minh Tuyên Tông đã làm một chuyện khiến ông luôn bị chỉ trích. Và cũng chính vì việc làm này của ông mà sau này đã làm xuất hiện các đại thái giám lũng đoạn triều đình như Vương Chấn, Lưu Cẩn hay Ngụy Trung Hiền.

Tại sao con cháu Chu Nguyên Chương lại để thái giám lũng đoạn triều chính? - Ảnh 4.

Hình ảnh một thái giám trên phim truyền hình Trung Quốc.

Vậy Minh Tuyên Tông đã làm gì?

Câu trả lời đó là: Dạy thái giám học. Có người cho rằng việc làm của Minh Tuyên Tông vốn chỉ là vì muốn những người thường xuyên bên cạnh mình có thể biết chút chữ, để họ không bị chê cười là vô học.

Nhưng nguyên nhân thực sự có lẽ là vì Minh Tuyên Tông muốn lợi dụng thái giám để cân bằng quyền lực với văn thần trên triều.

Có thể có người sẽ đặt câu hỏi, chẳng phải hoàng đế là người nắm quyền cao nhất sao? Tuy nhiên trên thực tế, quyền lực của hoàng đế được chia làm hai kiểu: Quyền ghi phiếu nghĩ và quyền phê hồng.

Ghi phiếu nghĩ tức là các quan Nội các đại thần sẽ ghi lại suy nghĩ và ý kiến của mình về bản tấu chương, sau đó kẹp cùng bản tấu trình lên cho hoàng thượng xem xét. Còn quyền phê hồng là quyền phê duyệt thi hành các bản tấu ấy.

Từ xưa đến nay, ghi phiếu nghĩ là quyền lực nằm trong tay văn thần còn phê hồng là quyền nằm trong tay hoàng đế. Có đôi khi, hoàng đế sẽ trao quyền ghi phiếu nghĩ cho một số thái giám thân tín, đây cũng chính là nguyên nhân khiến thái giám có thể tham gia chính sự.

Trong dân gian có lưu truyền câu nói: "Không sợ kẻ xấu giở trò lưu manh, chỉ sợ kẻ lưu manh lại có văn hóa". Một tên thái giám gian ác có học thức nguy hiểm hơn rất nhiều một tên thái giám ác nhưng không có học vấn.

Tại sao con cháu Chu Nguyên Chương lại để thái giám lũng đoạn triều chính? - Ảnh 5.

Hình ảnh một thái giám trên phim truyền hình Trung Quốc.

Cùng với sự phát triển tiếp nối của nhà Minh, chính sách dạy học cho thái giám của Chu Chiêm Cơ đã bồi dưỡng ra không ít thái giám có văn hóa, học thức cao.

Chu Chiêm Cơ cho thành lập "Nội thư đường" cho thái giám, khi vừa mở ra đã thu khoảng 200 đến 300 học sinh dưới 10 tuổi vào học.

Trường học do Tư Lễ Giám đảm nhiệm chức hiệu trưởng. Đứng lớp là những trưởng lão đức cao vọng trọng, còn mời cả học sĩ Hàn Lâm viện đến dạy học, có thể nói là môi trường học tập vô cùng tốt.

Khi ấy, tài liệu học tập của các thái giám bao gồm những cuốn như "Bách gia tính"; "Thần đồng thi"; "Thiên tự văn"…

Từ những thái giám vốn không có văn hóa, không biết chữ nay trở lên thông thạo uyên bác, giống như hổ thêm cánh trên cuộc chiến chính trị.

Dưới Thời Minh Vũ Tông – Chu Hậu Chiếu đã từng có người mạo hiểm tính mạng dâng thư nặc danh tố cáo tội danh của Lưu Cẩn. Thế nhưng Chu Hậu Chiếu lại không tin nội dung vạch tội, ngược lại còn đưa bức thư ấy cho Lưu Cẩn, cười đùa và hỏi rằng: "Những chuyện trong đây, ái khanh đã từng làm hay chưa?" Tất nhiên, Lưu Cẩn đã toát mồ hôi lạnh nhưng không bao giờ nhận.

Đợi sau khi Minh Vũ Tông rời đi, Lưu Cẩn nổi trận lôi đình, lệnh cho hơn 300 quan viên cấp cao trong triều quỳ dưới cái nắng trước Phụng Tiên môn, dùng hình tra khảo tìm ra chủ nhân bức thư.

Những quan viên đó không thể làm gì, buộc phải quỳ từ sáng đến tối, thậm chí còn có người bị phơi nắng đến chết. Đến khi trời tối, những ai chưa chết lại bị bắt giam vào trong ngục của Cẩm Y Vệ, có thể nói là vô cùng đáng sợ.

Đến cuối thời nhà Minh, Ngụy Trung Hiền còn được người ta gọi bằng cái tên "Cửu Thiên Tuế", dáng vẻ kiêu căng, ngạo mạn, những viên quan nào có ý muốn chống đối lại ông ta đều chẳng có được kết cục tốt đẹp.

Chu Nguyên Chương một lòng muốn ngăn chặn mối họa ngầm từ hoạn quan, nào ngờ sau này những thái giám khét tiếng nhất đa phần đều xuất hiện dưới thời đại nhà Minh. Điều này quả thực khiến người ta phải cảm thán!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem