Thời điểm này dù thời tiết lạnh, ruộng đồng đang giai đoạn làm đất gieo cấy vụ xuân, nhưng bà con nông dân ở huyện lúa Yên Thành, Đô Lương... tối đến vẫn chịu khó ra đồng soi đèn "săn" con "8 cẳng, 2 càng" (cua đồng) bán cho thương lái để chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.
Tầm 21 giờ, từ các cánh đồng, bà con mang sản phẩm cua đồng đến bán cho thương lái. Quan sát tại điểm thu mua cua ven đường Quốc lộ 7B trên địa bàn huyện Yên Thành cho thấy, ngoài người lớn, phụ nữ, còn có thanh, thiếu niên cũng tham gia bắt cua đồng.
Bà Nguyễn Thị Xế ở xã Nam Thành (Yên Thành) hồ hởi cho cho hay, cua đồng dịp này khá nhiều, chỉ cần đi khoảng 2 tiếng đồng hồ là bắt được đầy xô nhỏ.
Vì vậy hầu như tối nào 3 mẹ con cùng đi bắt cua đồng. Tối 8/1, cả 3 mẹ con bắt được hơn 6 kg, bán cho thương lái với giá 60.000 đồng/kg, thu về gần 400.000 đồng.
"Ban ngày đi phụ hồ cho đám thợ xây, tối về chịu khó dạo đồng 2 tiếng đồng hồ (từ 19 đến 21 giờ) kiếm được hàng trăm nghìn đồng. Số tiền đó đủ trang trải cho gia đình, còn tiền phụ hồ gom góp chi tiêu việc khác" - bà Xế chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Tần, thương lái thu mua cua cho biết, cua đồng phát triển tự nhiên có chất lượng tốt, do nhu cầu của thị trường Hà Nội cao, nên người dân các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu... săn bắt quanh năm. Tuy nhiên giá cả phụ thuộc vào từng thời điểm.
Vào mùa hè, giá cua đồng có khi lên hơn 100.000 đồng/kg, nhưng vào mùa đông này giảm xuống 60.000 đồng/kg.
Song, dù giá có khác nhau nhưng thu nhập tương đương, bởi vào mùa hè người đi bắt nhiều, nên khan hiếm hơn; ngược lại vào mùa này dù giá thấp, nhưng số người đi bắt giảm, nên mỗi người bắt được số lượng nhiều.
"Cua tự nhiên ngoài đồng, dụng cụ để bắt như nhau, đều là soi đèn, bắt bằng tay, nhưng không phải ai cũng bắt được nhiều. Có người đêm nào cũng bắt được 3 - 4 kg, bán lấy tiền ngay 200 - 300 nghìn đồng, thu nhập bằng công đi làm phụ hồ cả ngày. Số người đi bắt nhiều, mỗi đêm tôi thu mua được hàng tạ cua đồng, chuyển ra Hà Nội tiêu thụ ngay trong đêm", ông Tần cho hay.