"Thủ phủ" thanh long Bình Thuận những ngày này không còn hình ảnh giao thương nhộn nhịp và những chuyến xe container nối đuôi nhau lên cửa khẩu như mọi năm.
Phần lớn các doanh nghiệp đóng cửa. Chỉ còn một vài đơn vị thu mua thanh long với số lượng khiêm tốn.
Tết Nguyên Đán đang đến gần, nhưng giá thanh long trên địa bàn tỉnh vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với các vụ cận Tết những năm về trước.
Gia đình bà Đậu Thị Ngàn ở xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) có hơn 1.000 trụ thanh long ruột trắng. Để có thanh long bán vào dịp Tết, từ hơn 2 tháng trước, bà đã xử lý cho khoảng 200 trụ thanh long ra trái vụ.
Hiện trái thanh long đang trong giai đoạn vuốt tai, chỉ còn vài ngày nữa là sẽ chín đều.
Vụ Tết năm nay, bà Ngàn dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thanh long. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, bà Ngàn đang rất lo lắng vì giá thanh long giảm thấp.
Những năm trước, cũng vụ thanh long cận Tết, bà bán với giá 17.000 đồng/kg. Năm 2021, bà bán còn 13.500 đồng/kg.
Đến vụ cận Tết năm nay, giá thanh long ruột trắng hàng đẹp chỉ còn từ 3.000-5.000 đồng/kg, hàng dạt chỉ 1.000-2000 đồng/kg.
"Tôi chỉ mong cho giá thanh long tăng lên khoảng 9.000-10.000 đồng/kg thì bà con mới đỡ vất vả", bà Ngàn nói.
Tỉnh Bình Thuận có hơn 30.000ha thanh long. Hàng năm, ngoài vụ chính khi thanh long ra trái tự nhiên, người trồng còn chong đèn để ra trái nghịch vụ nhằm bán với giá cao.
Nếu bán được giá cao, người dân sẽ có một cái Tết sung túc. Vì thế, mùa thanh long chong đèn trái vụ được nhiều người trông đợi. Thế nhưng giá thanh long hiện tại không như kỳ vọng.
Người trồng thanh long cho biết, việc xử lý thanh long trái vụ không hề đơn giản. Vì làm trái vụ nên thanh long dễ bị sâu bệnh tấn công.
Người trồng phải chăm sóc nhiều hơn, chi phí thuốc men cũng tốn kém hơn so với thanh long chính vụ. Riêng tiền điện phải trả để chong đèn cũng rất cao.
Bà Nguyễn Phước Hậu ngụ cùng xã Hàm Liêm cho biết, hơn 1.000 trụ thanh long của bà phải tốn gần 20 triệu đồng tiền điện, chưa tính tiền phân, thuốc.
"Lứa thanh long nghịch vụ năm nay đang được mùa nhưng mất giá. Nông dân đối diện nguy cơ phá sản", bà Hậu nói.
Cũng theo bà Hậu, hầu hết các vựa lớn chỉ mua đủ lượng hàng để đóng gói xuất khẩu chứ không thu mua liên tục như mọi năm.
Dịch Covid-19 khiến tiêu thụ thanh long rất chậm. Thương lái không dám đặt cọc thu mua với nông dân cho đến khi nguồn hàng tồn kho được giải phóng.
Bà Trần Ngọc Hà ở xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) cũng đang rầu rĩ vì chỉ khoảng 1 tuần nữa vườn thanh long gần 7 tấn trái của bà sẽ thu hoạch.
Doanh nghiệp không thể mua hoặc chỉ thu mua nhỏ giọt. Những nông dân có thanh long chuẩn bị thu hoạch như bà Hà đang thấp thỏm lo âu vì giá bán vốn đã thấp mà thương lái thì chẳng thấy đâu.
Bà Hà đang thuê mướn nhân công vuốt tai, chăm chút hình thức trái bên ngoài trái thanh long. Giá thanh long rẻ nhưng vẫn phải chăm sóc kỹ vì nếu thương lái chê thanh long xấu, thương lái càng không mua.
"Biết trước là lỗ vốn những vẫn phải làm, bán được đồng nào hay đồng ấy", bà Hà nói.
Vườn thanh long của ông Đào Tấn Khương ở xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) cũng đã đến thời kỳ xuất bán.
Để vườn thanh long sạch đẹp, dễ thu hút thương lái, ông Khương chọn cách loại bỏ hết các trái thanh long nhỏ (loại dưới 300gram).
Ông Khương giải thích, thà chấp nhận giảm sản lượng nhưng bù lại trái thanh long trong vườn đẹp, đạt chuẩn thì dễ bán hơn.
Thông thường, thương lái sẽ trừ khấu hao từ 70-100 kg trên mỗi tấn thanh long. Việc chủ động loại bỏ trái nhỏ cũng giúp thương lái thu mua giảm bớt phần khấu hao.
Ông Khương cho biết, giá thanh long phải 10.000 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lời chút đỉnh. Giá thanh long chỉ còn 3.500 - 4.000 đồng/kg thì không đủ bù chi phí.
Nhưng hiện tại, thanh long loại đẹp mới được lái mua với giá 3.500 - 4.000 đồng/kg chứ bình thường, gọi mãi, thương lái cũng không thèm vào vườn.
Hi vọng là thế, nhưng thương lái cũng như doanh nghiệp đang thu mua rất hạn chế, chỉ bằng từ 10 - 20% so với trước. Trong khi nguồn cung thanh long ở các nhà vườn từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều.
Bà Hồ Thị Bạch Hoàng - Giám đốc HTX Thanh long Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) cũng cho biết, nông dân đang kêu cứu rất nhiều nhưng HTX đành bó tay.
Trong vòng 15 ngày tới, HTX dự kiến thu mua vào với sản lượng từ 50 - 100 tấn. Thế nhưng HTX không có đơn hàng nào lớn. Những đơn hàng nhỏ, chừng 1 - 2 tấn thì chả thấm tháp gì, không cách nào giúp được sản lượng lớn của bà con.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, từ nay đến hết tháng 2/2022, toàn tỉnh có khoảng 120.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, các ngành chức năng trong tỉnh đang vận động doanh nghiệp có kho lạnh thu mua lưu trữ để hỗ trợ nông dân.
Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận, Sở đang phối hợp cùng với Sở Công Thương Bình Thuận làm đầu mối kết nối tiêu thụ thanh long nội địa. "Đồng thời kiến nghị NNPTNT sớm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển", ông Tấn cho biết.