Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh tích cực, đẹp đẽ của chợ truyền thống mang lại thì đâu đó còn đó là cảnh tượng lụp xụp, sập xệ, nhốn nháo, chưa kể còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… tại các khu chợ truyền thống.
Xây đình chợ tiền tỷ…nhưng không ai vào
Đó là thực tế đang diễn ra tại chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Chợ được thành lập từ năm 2014 sau khi TP Hà Nội có quyết định di chuyển từ đường Lê Đức Thọ (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) về địa điểm hiện tại.
Theo chia sẻ của anh Đào Anh Tuấn, cán bộ Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai, để chợ có cơ ngơi như hiện nay, TP đã đầu tư cơ sở vật chất khoảng 20 tỷ đồng.
Sau nhiều lần cải tạo, nâng cấp, hiện nay chợ đầu mối Minh Khai có diện tích 3,6ha và khoảng 700 tiểu thương thường xuyên kinh doanh tại đây. Chợ bắt đầu hoạt động từ 17 giờ đến 23 giờ đêm là bán quần áo; từ 23 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau bán nông sản, thực phẩm.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Đào Thị Xuyên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) tiểu thương bán rau tại chợ đầu mối Minh Khai cho biết, đây là năm thứ 7, chị bán rau, củ quả tại đây. Để có diện tích bán hàng chị phải thuê 3 ô, mỗi ô rộng 1,3m2.
Theo chị Xuyên, mỗi tháng chị đóng 2 triệu đồng cho Ban quản lý chợ, gồm tiền phí chợ 550.000 đồng/hộ, điện, vệ sinh. Tuy nhiên, với mức phí chợ tất cả các tiểu thương đóng như nhau nhưng chị phải ngồi gian hàng chỉ được lợp bằng một tấm bạt, hàng hóa tràn ra đường, mỗi khi mưa xuống thì người và hàng ướt hết sạch.
Cách đó không xa là 2 đình chợ được xây dựng từ năm 2014 với mức đầu tư 7 tỷ đồng. Đình chợ xây mục đích phục vụ tiểu thương bán quần áo. Tuy nhiên, do diện tích lối đi chỉ rộng 1,8m2 nên không có hộ kinh doanh nào muốn "chui" vào đây.
Bà Ngô Thị Hoa, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm khô bên trong đình chợ cho biết, do gian bán hàng của gia đình bà nằm ở mặt ngoài nên vẫn dễ dàng kinh doanh được. Còn đối với các gian hàng nằm bên trong thì không có hộ nào, đã bỏ trống nhiều năm nay.
Theo bà Hoa, để có gian hàng bán trong đình chợ, tiểu thương phải đóng phí 120.000 đồng/m2. Mặc dù, Ban quản lý chợ thông báo giảm giá thuê nhưng một số gian hàng vẫn bỏ không nhiều năm nay.
Ông Tuấn cho biết, Ban quản lý chợ đã nhiều lần liên hệ với chủ của các gian hàng đã đóng tiền thuê trong đình chợ nói trên để giải quyết, thế nhưng họ đều "bặt vô âm tín", không nghe máy, cũng không lên làm việc. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý
Khảo sát của Dân Việt, tại một số khu chợ Ngã Tư Sở, chợ Kim Liên (quận Đống Đa) có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh xập xệ, nhếch nhác, lối đi lại trong chợ chật hẹp, giữa các quầy hàng gần như không có khoảng cách. Nhiều gian hàng bố trí, sắp xếp hàng hóa cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm.
Thực tế cho thấy, hiện nay chính quyền các cấp cơ bản đã quan tâm hơn đến công tác quản lý chợ. Có đơn vị thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động 100%, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chợ văn minh đô thị.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chợ chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chậm. Một số địa phương chậm phê duyệt giá dịch vụ chợ. Vẫn còn những vụ việc khiếu nại, tố cáo, thậm chí tiêu cực trong quản lý kinh doanh khai thác chợ… chưa được giải quyết dứt điểm, kịp thời; còn nhiều chợ không đáp ứng được các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo chia sẻ của một cán bộ làm việc tại Ban quản lý chợ trên đại bàn quận Ba Đình, Sở Công Thương là đơn vị xét duyệt phân hạng, bố trí ngành hàng với những chợ đầu mối, chợ hạng 1, còn việc thành lập ban quản lý, ban chỉ đạo thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, nhưng ban quản lý một số chợ vẫn để các hộ bày bán, lấn chiếm, vi phạm thiết kế ban đầu.
Vị này cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ và kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ. Bởi trên thực tế cho thấy, ngoài các chợ tự phát, chợ tạm thì các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động đều nằm dưới sự quản lý của UBND các quận hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Chính bởi vậy, để có kinh phí đầu tư, tu bổ, sửa chữa nâng cấp hạ tầng của chợ thì rất cần nguồn lực xã hội hóa. "Nếu cứ trông chờ vào nguồn thu phí từ các hộ kinh doanh tại chợ, cũng như ngân sách Nhà nước thì rất khó để nâng cấp, quy hoạch chợ khang trang, hiện đại", vị cán bộ này nói.
Về vấn đề này, ông Đào Anh Tuấn, cán bộ Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai cho biết, cơ sở hạ tầng của chợ Minh Khai sau nhiều năm cũng đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Để đầu tư, nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn của chợ đầu mối thì sẽ cần khoảng 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (doanh nghiệp Nhà nước), chính bởi vậy để có nguồn lực hàng chục tỷ đồng để xây dựng chợ theo đúng nghĩa là chợ đầu mối là điều bất khả thi.