Sóc Sơn: Giải quyết dứt điểm tồn tại ở chợ Phủ Lỗ

Thứ năm, ngày 13/01/2022 08:44 AM (GMT+7)
Thực hiện Quyết định số 2212/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội về việc ký hợp đồng và thu phí tại chợ Phủ Lỗ, thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo giải quyết dứt điểm tồn tại nhằm sớm ổn định kinh doanh cho các hộ tiểu thương.
Bình luận 0

Chỉ 83/259 hộ kinh doanh ký hợp đồng mới

Theo tìm hiểu, những bất cập trong quá trình vận hành chợ Phủ Lỗ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) đã tồn tại từ những năm 2016 trở về trước. Để ổn định hoạt động của khu chợ, ngày 9/5/2016, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND về việc ký hợp đồng và thu phí tại chợ Phủ Lỗ.

Sóc Sơn: Giải quyết dứt điểm tồn tại ở chợ Phủ Lỗ - Ảnh 1.

Hàng trăm hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ chưa đồng ý ký hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng với Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Trên cơ sở chỉ đạo của TP.Hà Nội tại Văn bản số 10863/VP-KT ngày 12/10/2021, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-UBND để tiến hành các bước giải quyết tồn tại theo đúng quy định. Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn đã tổ chức cấp phát tài liệu, văn bản quy định việc ký hợp đồng và đóng phí dịch vụ tại chợ cho đại diện các hộ tiểu thương. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải đáp khúc mức của tiểu thương.... 

Liên quan đến kiến nghị của một số hộ tiểu thương cho rằng mức thu phí áp dụng đối với các ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ hiện nay ở mức 45.000 đồng/m2/tháng là cao, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết mức thu này được thực hiện theo đúng Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 14/1/2015 của UBND TP Hà Nội. Do đó, kiến nghị giảm mức thu phí thuê ki-ốt của các hộ tiểu thương là không có cơ sở.

"Huyện đã thành lập các tổ công tác, đến tuyên truyền, vận động trực tiếp tại từng hộ tiểu thương. Tuy nhiên, đến nay, trong tổng số 259 hộ kinh doanh thuộc diện phải ký hợp đồng tại chợ Phủ Lỗ, mới chỉ có 83 hộ chấp hành việc ký hợp đồng thuê ki-ốt, tương ứng 121/530 ki-ốt, sạp hàng trong chợ Phủ Lỗ…", ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn cho biết.

Đáng chú ý khi trong tổng số 259 hộ kinh doanh thuộc diện phải ký hợp đồng mới, có 40 hộ không phải là công dân xã Phù Lỗ - nơi khu chợ được xây dựng. Đến nay, vẫn còn 7/9 hộ kinh doanh ở xã Đông Xuân và 12 hộ khác thuộc các xã: Bắc Sơn, Phú Minh, Mai Đình, Tiên Dược chưa ký hợp đồng. Riêng xã Phù Lỗ, hiện mới có 62/219 hộ kinh doanh ký hợp đồng, chiếm khoảng 28% tổng số hộ.

Cùng với việc chậm ký kết hợp đồng, đến nay mới chỉ có 4 hộ đóng phí dịch vụ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, với tổng số tiền gần 14 triệu đồng. Hiện, cơ quan chức năng cũng chưa thu được thuế của bất cứ hộ kinh doanh nào trong chợ. Do các hộ không phối hợp trong việc kê khai, xác nhận nợ thuế nên việc áp dụng chế tài của ngành thuế gặp nhiều khó khăn.

Không có chuyện được thuê ki-ốt vô thời hạn

Một trong những lý do được nhiều hộ tiểu thương đưa ra để giải thích cho việc không đồng tình với việc phải ký lại hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng là bởi họ cho rằng, đã được cơ quan có thẩm quyền bán đấu thầu để sử dụng kinh doanh vĩnh viễn. Dù vậy, điều này theo phân tích của cơ quan chức năng là không có cơ sở.

Trong đơn khiếu nại gửi đi, bà Trịnh Thị Đỗ và Nguyễn Thị Thanh Tâm - đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, cho rằng các ki-ốt tại khu chợ đã được tổ chức bán đầu thầu từ năm 1994 cho các hộ dân sử dụng để kinh doanh lâu dài, không có thời hạn, thuộc quyền sở hữu của các hộ dân đã mua nên đến nay không phải ký lại hợp đồng.

Chợ Phủ Lỗ được UBND huyện Sóc Sơn thành lập năm 1993, đầu tư xây dựng từ năm 1994 và được xác định là chợ loại 2 từ năm 1997 theo Quyết định số 3569/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định về tổ chức kinh doanh và quản lý chợ trên địa bàn Hà Nội. Quá trình quản lý, sử dụng chợ, căn cứ các Quyết định số 84/2005/QĐ-UBND và Quyết định số 4176/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, chợ Phủ Lỗ tiếp tục được xác định là chợ loại 2.

Đối với nội dung này, Thanh tra TP.Hà Nội đã có Báo cáo số 768/BC-TTTP-P3, trong đó nêu rõ: Ngày 9/12/1994, UBND huyện Sóc Sơn ra Thông báo số 821/TB-UB tổ chức đấu thầu cho thuê dài hạn các sạp hàng, ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ. 

Đến ngày 26/12/1994, UBND huyện có Thông báo số 860/TB-UB phân bổ 24 ki-ốt (trong tổng số 70 ki-ốt) tại chợ Phủ Lỗ cho các cơ quan, đơn vị không qua đấu thầu (thực tế chỉ phân bổ được 21 ki-ốt).

Ban Quản lý công trình xây dựng chợ huyện Sóc Sơn đã cấp 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt, còn lại 43 ki-ốt được tổ chức đấu thầu hết năm 1994. 

Ngày 24/12/1994, Hội đồng đấu thầu các ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ đã lập biên bản công nhận các trường hợp trúng thầu ki-ốt, trong đó có 34 ki-ốt được cấp giấy chứng nhận sử dụng ngày 11/1/1995. Tuy nhiên, trong quá trình viết phiếu thu tiền đối với các trường hợp trúng thầu ki-ốt năm 1994, kế toán của Ban Quản lý chợ Phủ Lỗ đã ghi: “Nộp tiền mua ki-ốt” là không chính xác.

Thep giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt do Ban Quản lý công trình đầu tư xây dựng chợ huyện Sóc Sơn cấp ngày 11/1/1995 cho các trường hợp trúng thầu thể hiện: “Thời hạn sử dụng 20 năm (hai mươi năm) kể từ ngày 11/1/1995 đến ngày 11/1/2015… Giấy này chỉ có giá trị trong thời hạn sử dụng”. Chính vì vậy, việc bà Trịnh Thị Đỗ và Nguyễn Thị Thanh Tâm, đại diện một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ cho rằng, các ki-ốt tại khu chợ đã được tổ chức bán đầu thầu từ năm 1994 cho các hộ dân sử dụng kinh doanh lâu dài, không có thời hạn là không có cơ sở.

Giải quyết dứt điểm tồn tại theo quy định pháp luật

Với quyết tâm giải quyết dứt điểm các tồn tại tại chợ Phủ Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn đang giao UBND xã Phủ Lỗ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn mời các hộ tiểu thương chưa ký hợp đồng tham gia họp, lập biên bản chốt việc không ký hợp đồng. Trường hợp các hộ tiểu thương không tham gia họp, sẽ tiến hành lập biên bản chốt giữa các ngành làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo. 

Sóc Sơn: Giải quyết dứt điểm tồn tại ở chợ Phủ Lỗ - Ảnh 4.

Chợ Phủ Lỗ có thể bị tạm dừng cung cấp điện, nước nếu các hộ tiểu thương kiên quyết không chấp hành việc ký hợp đồng mới.

Từ nay đến Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, huyện sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương ký hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng. Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ tiểu thương như ký kết hợp đồng ngay cả ngoài giờ hành chính, ký và giao nhận hợp đồng trong ngày. Đồng thời, không thu bất cứ một khoản phí nào liên quan đến hồ sơ hợp đồng, tài liệu phô tô, in ấn…

“Đối với các hộ tiểu thương có lý do chính đáng, bất khả kháng không đến ký nhận hợp đồng được, Ban Quản lý chợ sẽ phối hợp với UBND xã Phù Lỗ đến tận nhà các tiểu thương để ký nhận hợp đồng. Đối với những tiểu thương để thất lạc giấy tờ gốc, chúng tôi sẽ cử cán bộ hướng dẫn thủ tục hồ sơ pháp lý…”, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đối với việc thực hiện Quyết định số 2212/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội, địa phương quyết tâm triển khai giải quyết dứt điểm các tồn tại tại chợ Phù Lỗ nhằm thực thi pháp luật, bảo đảm sự công bằng cho mọi công dân nói chung và tiểu thương tại các khu chợ trên địa bàn huyện nói riêng. Trong đó, không loại trừ khả năng phải sử dụng cả biện pháp hành chính là tạm dừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cũng nhận định, biện pháp cứng rắn nêu trên có thể khiến phát sinh các tình huống phức tạp. Chính vì vậy, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy - UBND các xã có hộ tiểu thương kinh doanh chấp hành việc ký hợp đồng mới theo quy định, huyện Sóc Sơn đề nghị lực lượng công an chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý chợ loại II xây dựng kế hoạch; đồng thời báo cáo Công an TP.Hà Nội để có phương án hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự…


Trọng Tùng (Kinhtedothi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem