Đây là kỳ liên hoan "bổ sung" đặc biệt và là đợt sáng đèn của sân khấu phía Nam sau nhiều tháng "ngủ đông" do dịch bệnh. Theo NSƯT Hoàng Tùng, liên hoan năm nay có những điểm khác biệt gì so với những kỳ liên hoan trước đây?
- Đây là cuộc thi kịch nói toàn quốc năm 2021 không được chia đợt vì tình hình dịch bệnh. Lý do bởi tháng 11 vừa qua đã có một liên hoan toàn quốc của các đơn vị kịch nói trên cả nước. Nhưng do tình hình dịch bệnh nên Bộ VHTTDL đã tạo điều kiện để cho các đơn vị phía Nam cũng được tham gia liên hoan này.
Sự kiện nhằm khơi dậy lòng đam mê nghề cũng như khẳng định vai trò của người nghệ sĩ trong thời gian khó khăn này. Họ vẫn được cống hiến với nghề, sống với nghề và đem đến những tác phẩm hay nhất cho khán giả.
Trong liên hoan lần này, về địa điểm rạp và cách bố trí, phân lịch của các đơn vị dự thi, BTC đã có sự bố trí, hỗ trợ như thế nào?
- Trên tinh thần Bộ VHTTDL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị phía Nam tham gia Liên hoan kịch nói lần này. Vì hiện tại, các đơn vị phía Nam gần như hoàn toàn hoạt động theo hướng xã hội hóa. Do đó họ cũng có những thế mạnh và những điểm để chúng ta cùng khắc phục, chia sẻ với các đơn vị nghệ thuật phía Nam.
Một đơn vị xã hội hóa trong Nam cũng có sân khấu nhưng do điều kiện hoặc do vở diễn yêu cầu, sân khấu không đáp ứng được. Vì vậy, BTC cũng đã sắp xếp một vị trí nhất định để trong trường hợp các đơn vị không tổ chức tại địa điểm của mình được thì sẽ có địa điểm đảm bảo được tham gia dự thi.
Đó là địa điểm tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tại Quận 1, TP.HCM. Đây cũng là một trong những điều BTC mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ của mình và đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị.
BTC hết sức thông cảm và chia sẻ với các đơn vị trong thời gian dịch dã. Họ hiểu rằng, các đơn vị vẫn phải làm việc trong trạng thái online và phải khắc phục sân khấu để tạo điều kiện cho các đơn vị.
Liên hoan diễn ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến biến phức tạp. Vậy BTC cũng như các đơn vị nghệ thuật đã có những biện pháp, quy định thế nào về việc khán giả đến xem cũng như các nghệ sĩ, thành viên của các đoàn đến dự thi vẫn đảm bảo sự an toàn trong việc phòng chống dịch?
- Với tinh thần phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả các thành viên cũng như là các nghệ sĩ và tất cả cộng đồng, BTC khuyến cáo các đơn vị tham gia không mời khán giả, chỉ phạm vi trong vòng các diễn viên tham gia dự thi để đảm bảo việc giữ an toàn.
Tuy dịch đã tương đối được khống chế nhưng diễn biến vẫn phức tạp và có những điều không thể lường trước được. Tiêu chí này cũng được các đơn vị nhất trí vì đây là một trong những công việc thường niên của Cục, Bộ. Bởi vậy các đơn vị cũng hết sức quý trọng, không phải lúc nào cũng có thể tổ chức các cuộc thi như thế này, đến hẹn lại lên, 3 năm 1 lần.
Vì vậy, BTC khuyến cáo các đơn vị cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên tinh thần đạt được vấn đề nghệ thuật nhưng bên cạnh đó là an toàn về việc phòng chống dịch.
Theo anh, Liên hoan lần này các đơn vị có hào hứng tham gia, chuẩn bị nhiều tiết mục hay không?
- Mặc dù phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nhưng tinh thần đam mê nghề nghiệp cũng như là sự sáng tạo nghệ thuật của các đơn vị phía Nam vẫn rất cao. Đặc biệt, các đơn vị phía Nam rất hào hứng tham gia khi nhận được quyết định của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đó cũng là một trong những tín hiệu đáng mừng.
Chúng ta được biết, sân khấu hiện nay có những khó khăn nhất định, nhưng họ vẫn muốn cống hiến cho nghệ thuật, cống hiến cho sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch nói. Các sân khấu rất nổi tiếng như Hồng Vân, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi, Sân khấu 5B, Hội Sân khấu TP. HCM, các đơn vị trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM… nhiều các đơn vị xã hội hóa rất hào hứng đăng ký tham gia ngay sau khi có thông báo của BTC về việc tổ chức Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM.
Về cơ cấu giải thưởng, BTC có quy định đặc biệt nào không hay vẫn giữ khung chương trình trong nhiều năm qua?
- Về cơ cấu giải thưởng cũng đã có những quy định rất rõ trên tinh thần những quy chế đã đưa ra để các đơn vị biết mình phải phấn đấu thế nào. Lượng huy chương đảm bảo trao đúng người, đúng giải. Về âm thanh, ánh sáng, công cụ hỗ trợ cũng được tính vào điểm trong giải thưởng.
Một số ý kiến cho rằng, trong tình hình dịch bệnh, cuộc thi đặt tại TP. HCM cũng tạo điều kiện cho nhiều đơn vị sân khấu tư nhân. Nếu tổ chức tại Hà Nội chưa chắc các đơn vị đã có đủ điều kiện ra dự thi vì nguồn kinh phí hạn chế. Theo anh, đây là có phải là hạn chế nhưng cũng là cơ hội?
- Khi nói đến Liên hoan toàn quốc, tất cả những người là quản lí cũng muốn làm tại một nơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Thứ nhất là để giao lưu học hỏi với nhau trong lĩnh vực nghệ thuật, mỗi đơn vị cũng có thể khẳng định mình hơn nữa trong việc làm nghề.
Bên cạnh đó cũng định hướng xem hướng đơn vị mình đang đi đã đúng, chuẩn hay chưa để có thể phát triển. Nếu chưa chuẩn, chưa đúng thì có thể điều chỉnh để đáp ứng về cả vấn đề nghệ thuật lẫn chủ trương đường lối.
Tuy nhiên, do kinh phí vẫn còn hạn hẹp, tất cả mọi chi phí đưa ra đều phải cân đong đo đếm sao cho hợp lý và ngoài việc đảm bảo ngân sách hàng năm, không thể vượt khung. Đó cũng là một điều khó để chúng ta thực hiện việc tổng thể các đơn vị có thể trở về một địa phương nào đó tham gia Liên hoan toàn quốc.
Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được vinh danh tại cuộc thi "Nghệ sĩ tiêu biểu của năm 2021?
- Với người nghệ sĩ, đây được coi là niềm vui và một vinh dự lớn. Với cá nhân, tôi cảm thấy mình thực sự may mắn vì nhận được vai diễn hợp với mình. Đó cũng là lần thứ hai tôi tham gia sân khấu kịch nói và may mắn được huy chương.
Trong lần tham dự thứ hai này, tôi vinh dự ở đoàn sân khấu kịch nói Hà Nội với vở diễn "Tình mẹ". Đây là vở diễn tạo ấn tượng tốt với khán giả và Ban giám khảo. Lần vinh danh này cũng là cơ hội để tôi nhìn nhận lại một năm làm việc và cố gắng cho nghệ thuật. Qua đây, tôi cũng nhìn ra được những thành công và hạn chế của bản thân để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.
Những khó khăn nào anh phải đối mặt khi thử thách bản thân với một lĩnh vực không phải chuyên môn như kịch nói?
- Khi tiếp cận với sân khấu kịch, bản thân tôi đã phải tập rất nhiều cho quá trình làm quen với sân khấu. Từ đó, tôi nhận ra rằng, sân khấu kịch có những điểm khác biệt và rất khó khăn. Đồng thời yếu tố tâm lý cũng là điều rất quan trọng trong mỗi lần biểu diễn.
Bởi lẽ khi đứng trên sân khấu việc người nghệ sĩ vừa phải ca hát lại vừa phải diễn xuất cùng lúc khiến tôi rất dễ bị sao nhãng. Cùng với đó, việc biểu hiện tâm lý vui buồn, tình cảm phải thật rõ ràng và tương tác với các bạn diễn đòi hỏi tôi phải thật sự tập trung và cố gắng để hoàn thành vai diễn của mình.
Cảm ơn NSƯT Hoàng Tùng đã chia sẻ thông tin!
Giành giải "Diễn viên cải lương triển vọng" năm 1998, nhưng phải đến hơn 10 năm sau, NSƯT Hoàng Tùng mới thực sự khẳng định được vị trí của mình với huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2011, anh nhận giải Diễn viên xuất sắc của năm do Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bình chọn.
Năm 2015, anh giành huy chương Vàng tại Hội diễn Cải lương toàn quốc và đến năm 2019 anh được trao tặng danh hiệu NSƯT.
Ở tuổi 50, chuyển công tác về Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Hoàng Tùng hạnh phúc khi vẫn được làm những công việc anh đam mê, được cống hiến lời ca tiếng hát cho công chúng yêu nghệ thuật dân tộc.
Các vai diễn ấn tượng của NSƯT Hoàng Tùng như: Vai Lê Quyết trong vở "Trời Nam" (tác giả kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên), bậc đại thần nhà Hậu Lê từ chối hợp tác với nhà Tây Sơn bởi muốn giữ trọn đạo trung thần; vai Trình Anh trong vở "Con côi họ Triệu" - một trong 100 tác phẩm sân khấu nổi tiếng của Trung Quốc; vai Đinh Thế trong vở Mai Hắc đế (tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên); vai Trần Thặng trong trích đoạn vở "Kẻ sĩ Thăng Long"... Những vai diễn do NSƯT Hoàng Tùng đảm nhận đều có những nỗi niềm u uẩn bên trong, sự phức tạp về tính cách, những mâu thuẫn giữa hành động và nội tâm. Và NSƯT Hoàng Tùng luôn nỗ lực đem lại cho vai diễn của mình sự đầy đặn cảm xúc.