Sân khấu kịch nói cần làm gì để trở thành một phần của ngành công nghiệp giải trí?
Sân khấu kịch nói cần làm gì để trở thành một phần của ngành công nghiệp giải trí?
Vũ Nga
Thứ ba, ngày 11/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
"Nếu muốn sân khấu kịch nói thực sự trở thành một phần của nền công nghiệp giải trí thì nó không những phục vụ khán giả mà còn phải biết cách đào tạo cả khán giả ", nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ với Dân Việt.
Năm 2021 là một năm có nhiều sự kiện quan trọng của kịch nói như Chuỗi hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày công diễn vở kịch đầu tiên tại nhà hát Lớn Hà Nội; Liên hoan kịch nói toàn quốc đợt I tại Hải Phòng; 3 bản diễn của kịch kinh điển "Antigone" Hy Lạp của Sophocles được các đạo diễn tài năng dàn dựng tại Việt Nam và công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ…
Trong những ngày đầu năm mới 2022, Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc đợt II khu vực phía Nam và TP. HCM diễn ra từ ngày 3/1 đến ngày 17/1, Dân Việtđã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Ngô Bá Lục về việc đầu tư cho lĩnh vực sân khấu.
Thưa nhà báo Ngô Bá Lục, anh có quan điểm như thế nào về việc cần đầu tư cho sân khấu kịch nói?
- Tôi thấy việc đầu tư cho sân khấu kịch nói là rất cần thiết! Như trong tham luận của NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Hội thảo nhân dịp Sân khấu kịch nói tròn 100 năm cũng đã đề cập đến việc chúng ta phải công nghiệp hóa sân khấu kịch.
Theo tôi, công nghiệp hóa kịch nói tức là chúng ta phải đẩy các vở kịch lên thành một sản phẩm của nền công nghiệp giải trí. Nó có thể kiếm ra tiền nhưng đương nhiên phải hiện đại và mới mẻ. Bởi vì, nếu như chúng ta cứ nệ cổ, cứ khư khư ôm những cái huy hoàng của thời hoàng kim ngày xưa thì rõ ràng là kịch nói sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người xem. Và khi kịch nói không có khán giả thì cũng không thể nào phát triển được.
Vậy theo anh các tác phẩm kịch nói cần phải đạt được các tiêu chí gì?
- Theo tôi kịch nói muốn sống được thì phải mang hơi thở của ngày hôm nay, phải làm theo cách làm của nghệ sĩ ngày hôm nay. Làm theo cách của ngày hôm nay không chỉ là phản ánh những nội dung mang tính bề ngoài của cuộc sống hiện đại như là nhà đẹp, xe sang mà còn phải khắc họa được suy nghĩ, tư duy và tình cảm của con người thời đại này.
Và cái chính phải dàn dựng vở diễn theo những hình thức mới nhất của ngày hôm nay. Phải nắm được là giới trẻ ngày nay người ta thích xem những vở kịch kiểu như thế nào. Từ việc xem cách người ta tiếp nhận kịch nói thế nào thì bản thân những người làm kịch nên xoay chuyển theo hướng đó. Và nên chăng cũng có những cuộc khảo sát để biết được một cách chính xác.
Phải chăng sân khấu kịch nói mất khán giả là vì bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn chưa thực sự quan tâm tới người xem?
- Tôi thì tôi nghĩ rằng kịch nói nhiều năm nay mất khán giả vì chúng ta vẫn đa phần làm theo những cách thức vô cùng cũ kỹ. Mặc dù nó hay, mặc dù nó cũng hấp dẫn nhưng chỉ hợp với lứa tuổi trung niên trở lên thôi, trong khi hiện nay lớp khán giả này đã có tuổi ngại ra đường, ngại đến rạp. Vậy là lớp khán giả cũ thưa vắng mà lớp khán giả mới lại chưa được được hình thành để thế vào.
Tôi cho rằng, nếu muốn sân khấu kịch nói thực sự trở thành một phần của nền công nghiệp giải trí thì nó không những phục vụ khán giả mà còn phải biết cách đào tạo cả khán giả nữa. Khối lượng khán giả trẻ ngày nay thực sự quan tâm và đến với các sàn diễn sân khấu rõ ràng là đang rất mỏng và thiếu. Cho nên, đầu tư cho sân khấu kịch có nghĩa phải đầu tư thêm cho yếu tố khán giả.
Vậy nếu như muốn đưa kịch nói thành một phần của công nghiệp giải trí thì theo anh, các yếu tố như chính sách, nhân lực và tài năng đã sẵn sàng hay chưa?
- Nếu bảo sự đầu tư cho nguồn lực về tài năng đã đủ đáp ứng chưa, đã sẵn sàng để chúng ta làm một cuộc thay đổi lớn chưa thì tôi nghĩ tài năng chúng ta có, nhân lực chúng ta có, tư duy thì cũng không phải là chưa đổi mới. Tôi cho rằng, có rất nhiều lãnh đạo các nhà hát đã có tư duy đổi mới từ trước, cách đây mấy năm rồi nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là tài chính.
Làm như thế nào để có nguồn lực tài chính để có thể kết hợp được với các nguồn lực khác. Tôi ví dụ như năm ngoái, nhà hát cải lương Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam làm vở xiếc cải lương, hay cải lương xiếc. Hoặc là chúng ta đã từng có những chương trình chèo phối hợp với rối nước để làm thành chương trình Sân khấu tối thứ Bảy của Nhà hát Chèo Hà Nội. Nghĩa là ở dưới là biểu diễn rối nước, trên sân khấu các nghệ sĩ biểu diễn chèo trong cùng một vở.
Nói như vậy để thấy những sự phối hợp như vậy đã được triển khai rồi và sự đổi mới, phá cách như thế nó đã có từ cách đây 10 năm. Chúng ta đã từng có một vở cải lương là "Lan và Điệp" do các ca sĩ ngôi sao nhạc nhẹ đóng vai chính. Ở đây rõ ràng là đã tạo thành một làn gió mới và từ sân khấu cải lương ở trong nhà hát, người ta mang được vở diễn ra sân vận động, mang ra nhà thi đấu Quân khu 7 diễn cho hàng chục nghìn khán giả xem.
Vậy theo anh câu chuyện về sự dịch chuyển này nói lên điều gì?
- Nếu chúng ta cứ nệ cổ là cải lương phải trong sân khấu, chèo là phải như chiếu chèo, kịch nói là phải trong nhà hát lộng lẫy, là thánh đường thì rõ ràng chúng ta không thể mở mang tư duy làm nghệ thuật được. Cho nên, điều quan trọng ở đây là chúng ta đã có mọi thứ rồi. Bây giờ, chúng ta làm như thế nào để có thể triển khai được nó thôi.
Đó là câu chuyện về những sáng tạo, mở mang tư duy trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, còn với lĩnh vực kịch nói thì sao, anh có thể phác ra một vài gợi ý cho các nghệ sĩ được không?
- Kịch nói chúng ta cũng có thể dẫn ra nhiều ví dụ. Tại TP.HCM gần như có đến 80, 90% các sân khấu là xã hội hóa và họ sống được. Bởi vì khi họ xã hội hóa là họ đã đặt yêu cầu phục vụ khán giả lên trước tiên. Họ phải lấy tiền vé của khán giả để quay vòng tiền đầu tư lại cho sân khấu.
Vì vậy nên khán giả họ cần cái gì, họ thích xem kiểu như thế nào thì các nghệ sĩ cũng cần phải làm theo hướng như thế. Như vậy, người ta mới lấy lại được tiền và tiền ấy sẽ được trả cho người diễn viên, trả cho những công lao đầu tư về nghệ thuật của họ. Cho nên, nếu như không nghĩ đến việc phải hy sinh những lợi ích trước mắt để tính lâu dài thì sẽ rất khó.
Những sân khấu kịch ở TP.HCM như: NSND Hồng Vân có kịch Phú Nhuận, kịch Idecaf có anh Thành Lộc, sân khấu 5B Võ Văn Tần có chị Mỹ Uyên… Kịch nói tại đây còn có rất nhiều các cái sân khấu nhỏ hơn nữa. Họ vẫn sống được bởi vì họ hòa mình vào đời sống văn nghệ và hiểu được mong muốn của khán giả.
Không thể phủ nhận việc phát triển sân khấu kịch nói vẫn cần phải có sự vào cuộc của nhà nước, thưa anh?
- Đúng như vậy! Tôi nghĩ đã đến lúc nhà nước cần phải có những hỗ trợ mạnh mẽ và rõ nét hơn. Ví dụ như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có một chủ trương cụ thể để tất cả các đơn vị đều phải thực hiện theo. Chủ trương xã hội hóa thì đã có lâu rồi nhưng mà triển khai nó như thế nào thì tôi nghĩ rằng là Bộ cũng phải có sự hỗ trợ một cách rõ ràng hơn.
Ví dụ như là phải cùng nhau đi kêu gọi tài trợ, hỗ trợ các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật không phải hỗ trợ bằng tiền hỗ trợ, bằng các mối quan hệ, bằng sự đứng ra để bảo lãnh cho các nhà hát đủ thức thuyết phục những đơn vị tài trợ, để họ có thể có tiền hoặc dám đầu tư.
Theo anh, cần có những hành động cụ thể như thế nào để hỗ trợ cho người nghệ sĩ cũng như các đơn vị nghệ thuật?
- Tôi rất tin vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi. Vì rõ ràng là từ 2 năm trở lại đây Hội đã bắt đầu có rất nhiều những hoạt động khởi sắc. Khi NSND Thúy Mùi làm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, chị là một trong những người đi theo con đường xã hội hóa rất nhiều, tức là sử dụng phần lớn kinh phí từ các đối tác bên ngoài để mà nuôi chèo.
Tôi nghĩ chị cũng sẽ đi theo con đường này để có cách vực dậy sân khấu. Đặc biệt là trong tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam và những hoạt động bên lề sự kiện. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là bước mở đầu thôi và trong tương lai gần cần có rất nhiều những thay đổi khác nữa. May mắn là tôi cũng đã được ngồi cùng trao đổi với NSND Thúy Mùi và chúng tôi cũng đã có những dự án trong tương lai gần cho từng thể loại phải làm sao để đẩy mạnh xã hội hóa vẫn là mục tiêu quan trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.