So với cuối tuần trước, giá cà phê Robusta Đắk Lắk giảm nhẹ. Chỉ trong tuần qua, cà phê Robusta rớt giá mạnh, mất 1.100 đồng/kg. Giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk hiện chỉ được mua trung bình 39.700 đồng/kg.
Các vùng trọng điểm cà phê của cả nước còn lại là Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, cà phê Robusta cũng chỉ được mua ở mức cao nhất là 39.600 đồng/kg. Riêng tại Lâm Đồng, cà phê Robusta luôn có giá thấp hơn các tỉnh còn lại của Tây Nguyên từ 700-800 đồng/kg. Hiện cà phê Robusta tại Lâm Đồng được mua ở mức 38.900 đồng/kg.
Như vậy, tính từ sau Tết dương lịch đến nay, giá cà phê Robusta nói chung giảm 1.800 đồng/kg. Tình trạng giá cà phê Robusta giảm mạnh và tăng nhẹ trong hai tuần qua đã khiến nhiều nông dân thấp thỏm.
Chị Đào Thị Sinh (Đắk Hà, Kon Tum) cho biết, gia đình thu cà phê xong cách đây chừng 10 ngày. Hiện cà phê phơi vẫn chưa kịp khô.
"Khi cà phê lên hơn 43 ngàn đồng/kg thì nhà không có để bán. Giờ giá rớt xuống dưới 40 ngàn thì cà phê vẫn phơi chưa khô. Cuối năm giá cà phê thường rớt xuống. Nhưng dù giá thế nào cũng phải bán để trang trải"- chị Sinh nói.
Ông Tô Văn Hữu (xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột) cũng lo lắng nói: "Cà phê phơi vẫn chưa khô. Giá thì cứ lên xuống thất thường, tôi thấy lo lắng quá. Cuối năm, kiểu gì gia đình cũng phải bán cà phê để trả nợ và chuẩn bị ăn Tết. Người không sẵn tiền khổ vậy đó anh".
Hiện nay tại Tây Nguyên, cà phê Robusta già cỗi chiếm khoảng 30% diện tích, tương đương khoảng 180.000 ha. Câu hỏi nhiều bà con đặt ra là trồng cà phê vào thời điểm nào, kỹ thuật trồng sao cho cây cà phê phát triển tốt?
Ông Lê Thanh Tuấn, một kỹ sư nông nghiệp tại Đắk Lắk, trả lời thắc mắc của bà con. Kỹ sư Tuấn cho biết, thông thường, nông dân trồng cà phê vào đầu mùa mưa. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện về đất, nông dân có thể trồng vào cuối mùa mưa.
Tuy nhiên, cà phê Robusta nên trồng vào đầu mùa mưa. "Vào mùa mưa, cây cà phê sẽ có điều kiện phát triển tốt. Do đó, nông dân nên trồng cà phê vào đầu mùa mưa, cây sẽ được tưới tự nhiên, luôn đảm bảo được nguồn nước, tỷ lệ sống sẽ đạt mức cao nhất"- kỹ sư Tuấn nói.
Về kỹ thuật trồng, kỹ sư Tuấn cho biết, sau khi làm đất xong, nông dân đưa bầu cà phê xuống hố rồi xé túi ni lon. Sau đó, đưa cây cà phê vào giữa hố, điều chỉnh cho cây đứng thẳng rồi lấp đất từ từ đồng thời nén chặt đất. Khi lấp đất đến ngang mặt bầu thì dừng lại.
Sau khi trồng xong, nông dân cần làm bồn tạo thành bờ xung quanh hố. Quá trình này, nông dân cần cẩn thận tránh làm vỡ bầu, cây sẽ dễ bị chết. Công đoạn tiếp theo, nông dân nên tủ gốc cà phê bằng rơm rạ hoặc cỏ, rác… thành vòng tròn quanh gốc, các gốc chừng 5-10cm nhằm tránh mối làm hại cây. Nếu có điều kiện, bà con nên phun thêm thuốc chống mối để bảo vệ cây.
Đối với những vùng thường gặp hạn, bà con nên che bóng cho cây cà phê mới trồng. Việc che bóng vừa giúp cây chắn được gió vừa có tác dụng chống hạn, chống rét. Tốt nhất, trước khi trồng cà phê, nông dân trồng các luống cây muồng vàng xung quanh để chắn gió, che bóng cho cây cà phê non. Cây muồng vàng khi chết đi, bà con lấp vào bồn. Việc này giúp cây cà phê có thêm một lượng phân hữu cơ rất có ích.