Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay: Tăng nhẹ trở lại, làm thế nào để bảo quản cà phê tốt nhất?

Duy Hậu Thứ hai, ngày 10/01/2022 09:30 AM (GMT+7)
So với đầu tuần, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk giảm mất 700 đồng/kg. Tuy nhiên, so với phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta Đắk Lắk tăng nhẹ trở lại. Để cà phê sau thu hoạch đảm bảo chất lượng, nông dân cần làm những điều này.
Bình luận 0

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk tăng nhẹ trở lại, nông dân "nhấp nhỏm"

So với đầu tuần trước, giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay "rớt" 700 đồng/kg. Nếu đầu tuần trước, mỗi ký cà phê Robusta tại Đắk Lắk được mua 41.500 đồng, thì hiện tại chỉ còn 40.800 đồng.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay: Tăng nhẹ trở lại, cà phê sau thu hoạch xử lý như thế nào - Ảnh 1.

Biến động giá cà phê Robusta trong tuần trước tại Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Đồ họa: Duy Hậu.

Tuy nhiên, so với mức giá thấp nhất vào cuối tuần trước, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk đã "nhích" lên thêm 200 đồng/kg. Các tỉnh Tây Nguyên còn lại, giá cà phê Robusta cũng biến động tương tự.

Hiện, tại Lâm Đồng, cà phê Robusta được mua 40.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại là Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đều được mua trung bình ở mức 40.700 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay: Tăng nhẹ trở lại, cà phê sau thu hoạch xử lý như thế nào - Ảnh 2.

Giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk liên tục biến động khiến nhiều nông dân "nhấp nhổm". (Trong ảnh: Một nông dân tại xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông đang hái cà phê). Ảnh: Duy Hậu.

Theo quan sát của chúng tôi, việc giá cà phê "nhảy múa" trong liên tiếp 2 tuần qua khiến nhiều nông dân "nhấp nhỏm". Một nông dân tại xã Quảng Phú, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) nói: "Ngân hàng bảo bán anh ạ. Tôi cũng muốn ráng chờ giá lên thêm rồi mới bán nhưng các món nợ tại ngân hàng cần phải trả lãi. Thế nên cà phê phơi khô tới đâu bán tới đó để trả".

Ông Lê Quang Trung, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar cũng tâm sự: "Tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm. Khi cà phê tăng giá thì muốn để thêm vài ngày nữa. Nhưng hôm sau, giá cà phê rớt thì lại nghĩ hay thôi bán đi. Tâm lý người dân ai cũng muốn bán được giá tốt nhưng ngược lại khi thấy giá cà phê giảm xuống lại lo sợ sẽ giảm tiếp. Thế nên có người vội bán ngay lúc tăng, có người lại vội bán ngay lúc cà phê hạ giá".

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay: Tăng nhẹ trở lại, cà phê sau thu hoạch xử lý như thế nào - Ảnh 3.

Theo ông Bé, để cà phê có chất lượng tốt nhất, giá bán cao hơn mức trung bình thì việc đầu tiên cần làm là phải đợi cà phê chín đều rồi mới thu hoạch. Ảnh: Duy Hậu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) thì tỏ ra hết sức bình thản: "Thời điểm nhiều người bán cà phê nhất thì sẽ là lúc giá cà phê rớt. Gia đình tôi chưa cần tiền nên chưa cần bán vội. Kinh nghiệm của tôi là cố gắng chờ đến khi thị trường bắt đầu vơi cà phê bán ra thì lúc đó mình mới bán, giá sẽ cao hơn".

Làm thế nào để bảo quản cà phê tốt nhất?

Cũng theo ông Bé, để cà phê bán ra có giá tốt nhất thì trước tiên cà phê phải đạt chất lượng tốt. Muốn vậy, việc đầu tiên là phải làm là thu hoạch cà phê lúc chín đều.

Khi hái xong, ông Bé luôn bảo quản cà phê ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh xa những nơi để hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu... "Sau khi thu hoạch, nếu thời tiết tốt, có nắng thì tôi đem phơi và chế biến ngay. Trường hợp trời mưa dài ngày thì tôi phải mang đi sấy để cà phê không bị giảm chất lượng"- ông Bé nói.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay: Tăng nhẹ trở lại, cà phê sau thu hoạch xử lý như thế nào - Ảnh 4.

Sau khi hái cà phê về, nông dân nên đem phơi (sấy) ngay để đảm bảo chất lượng cà phê nhân. (Trong ảnh: Một nông dân tại Cư M'gar, Đắk Lắk đang phơi cà phê).

Ông Bé cũng chia sẻ, để đảm bảo chất lượng cà phê khi phơi (sấy), ông làm đúng theo kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. "Cà phê trải ra không nên để dày quá, chừng 5cm là phù hợp. Mỗi ngày, tôi đều đảo từ 4-5 lần cho tất cả hạt cà phê khô đều như nhau. Trường hợp trời mưa, cà phê cần phải sấy thì không nên để nhiệt độ lò sấy quá nóng, tốt nhất là dưới 600C"- ông Bé nói.

Về việc bảo quản cà phê, ông Bé cho biết, cà phê sau khi phơi khô, sơ chế sạch sẽ thì đưa vào nơi thoáng, sạch để cất. Kho bảo quản cà phê cần phải được xử lý mối mọt, côn trùng trước khi đưa cà phê vào.

Cà phê để trong kho tuyệt đối không được để sát mặt đất và cũng nên để cách tường ra, làm sao phải đảm bảo khô thoáng. 

"Cà phê nhân hay cà phê chưa xay vỏ đều nên để nơi thoáng, sạch. Muốn giữ được càng lâu thì nhà kho tuyệt đối không được để ẩm mốc và có mối mọt"- ông Bé nói.

Theo một cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nếu trong điều kiện thời tiết bất lợi (mưa nhiều) mà nông dân không có điều kiện sấy thì có thể xử lý bằng cách ủ với nấm men và enzyme Rohapect.

Theo đó, cà phê sau khi thu về, nông dân xử lý hết tạp chất rồ đổ ra nền xi măng khô sạch. Tùy theo khối lượng cà phê, nông dân thêm chế phẩm nấm men (trung bình 1kg/1 tấn cà phê) và enzyme Rohapect (1 lít/tấn cà phê) phù hợp để ủ.

Sau khi tưới đều nấm men và enzyme Rohapect lên cà phê, nông dân vun thành đống rồi dùng bạt che kín để ủ. Xử lý bằng cách này, nông dân sẽ bảo quản cà phê được từ 8-10 ngày mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân. Sau đó, khi thời tiết thuận lợi để phơi (sấy) được thì nông dân mang cà phê đã ủ ra làm khô cho đến khi đạt độ ẩm theo yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem