Giá cà phê Robusta hôm nay quay đầu tăng, vì sao nên trồng cây chắn gió cho vườn cà phê?

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 14/01/2022 05:31 AM (GMT+7)
Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay, 14/1 đảo chiều tăng thêm 300 đồng/kg. Giá cà phê nhân các tỉnh Tây Nguyên cũng có mức tăng tương tự. Gà phê Robusta được mua cao nhất tại Đắk Lắk với giá 40.400 đồng/kg, thấp nhất là tại Lâm Đồng với giá 39.600 đồng/kg. Trồng cây chắn gió cho vườn cà phê có lợi ích gì?
Bình luận 0

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk giảm nhanh, tăng chậm

So với tuần trước, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk giảm 200 đồng/kg. Tuy nhiên, so với hôm trước, giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay tăng thêm 300 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk tăng trở lại, vì sao nên trồng cây chắn gió cho cà phê? - Ảnh 1.

Giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk tăng thêm 300 đồng/kg. Ảnh: Duy Hậu.

Như vậy chỉ sau 2 lần giảm, giá cà phê Đắk Lắk rớt 1.100 đồng so với đầu tuần trước. Trong vòng một tuần qua, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk bị rớt mạnh trong các ngày thứ 5 tuần trước và tiếp tục giảm mạnh vào hôm thứ 4 tuần này.

Chỉ sau hai phiên giảm này, cà phê Robusta đã bị "rớt" 1.300 đồng/kg. Trong khi đó, mặc dù giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk tăng trở lại nhiều ngày song mức tăng không đáng kể, chỉ từ 100-300 đồng/kg.

Hiện cà phê nhân tại Tây Nguyên (vùng trồng cà phê trọng điểm của cả nước) được mua cao nhất 40.400 đồng. Đây cũng là mức giá cà phê Robusta đang được mua tại Đắk Lắk. So với Đắk Lắk, cà phê Robusta tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được mua thấp hơn 100 đồng/kg. Riêng Lâm Đồng, cà phê Robusta được mua ở mức 39.600 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk tăng trở lại, vì sao nên trồng cây chắn gió cho cà phê? - Ảnh 2.

So với đầu vụ, giá cà phê Rubusta tại Tây Nguyên giảm hơn 200 đồng/kg. Ảnh: Duy Hậu.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện đa phần nông dân vẫn đang phơi cà phê. Nhiều nông dân vì cần tiền đã chấp nhận bán cà phê tươi. 

"Nếu bán cà phê tươi, nông dân thường bị thiệt khá nhiều. Tuy nhiên, vì cần tiền, rất nhiều nông dân đành chấp nhận giải pháp này"- Bà Bùi Thị Nương (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) nói.

Trong khi đó, đối với nhiều nông dân hiện vẫn chưa có cà phê để bán. Trước diễn biến khó lường của giá cà phê, nhiều nông dân tỏ ra hết sức lo lắng. 

Ông Lê Văn Sang (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Cà phê chưa kịp bán thì giá rớt xuống thấp. So với đầu vụ, giá cà phê nhân đã mất hơn 2000 đồng/kg. Gia đình tôi vẫn chưa phơi xong cà phê, chẳng biết giá cả còn biến động tới đâu".

Ông Lê Văn Thái, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin lo lắng: "Cả năm chỉ trông chờ vào vụ cà phê, giá cả thất thường thế này tôi thật sự rất lo lắng. Chỉ mong sao đến lúc có cà phê để bán thì giá tăng lên để có thêm chút tiền đầu tư cho vụ tới".

Cây chắn gió cho lợi kép

Nhiều năm qua, nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên bắt đầu trồng cây chắn gió cho cây cà phê. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc trồng cây chắn gió đang mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk tăng trở lại, vì sao nên trồng cây chắn gió cho cà phê? - Ảnh 3.

Vườn cà phê được trồng cây chắn gió của ông Phan Văn Đức, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) phát triển tốt. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Phan Văn Đức, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhiều năm qua gia đình nh đã chọn cây bơ và một số cây ăn trái khác trồng quanh vườn cà phê. 

"Từ khi có cây chắn gió, cây cà phê phát triển tốt hơn, tình trạng mùa được, mùa mất không còn như trước. Không những giúp cà phê phát triển ổn định, mỗi năm gia đình còn có thêm một khoản thu nhập từ các loại cây này"- ông Đức nói.

Ông Lê Văn Mai (xã Nâm Njang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cũng cho biết: "Nhiều năm qua, gia đình đã trồng thêm mít, sầu riêng và cây muồng đen để chắn gió cho cà phê. So với trước đây, khi cây cà phê được chắn gió phát triển tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, nếu trước đây theo chu kỳ cứ vụ này trúng mùa thì vụ sau cà phê lại mất mùa. Nhưng từ khi trồng thêm cây chắn gió thì tình trạng này giảm đi".

Cũng theo ông Mai, hàng năm từ cây mít và cây sầu riêng, gia đình ông còn có thêm thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ha. "Cây chắn gió chỉ trồng ở vùng vành đai vườn ở hướng gió. Tôi trồng cây muồng đen bên ngoài và vùng đai bên trong trồng sầu riêng, mít. Ngoài việc giúp cà phê phát triển ổn định, có thêm thu nhập, cây chắn gió còn giúp tôi tiết kiệm được khoảng 20% lượng nước tưới cho cà phê"- ông Mai nói thêm.
Tiến sĩ Phạm Công Trí, nguyên cán bộ Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện nay nông dân trồng cà phê trồng cây chắn gió khá phổ biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc trồng cây chắn gió giúp cây cà phê phát triển khá ổn định, cây cà phê ít bị một số bệnh như cháy lá, khô cành...

Theo tiến sĩ Trí, đối với cà phê trồng mới, nông dân có thể dùng cây muồng vàng, cốt khí hoặc chuối... làm cây chắn gió tạm thời. Các loại cây này sau khi chết sẽ trở thành phân bón cho cây cà phê. Riêng đối với cây chuối, nông dân có thêm thu nhập từ việc bán quả chuối.

Ở giai đoạn cà phê kinh doanh, nông dân dùng cây che bóng, chắn gió tầm cao như muồng đen, cây ăn quả, choái (trụ) sống... Để có thêm thu nhập nông dân nên chọn những loại cây có giá trị kinh tế cao (có thể bán gỗ, hoặc cho trái có giá trị kinh tế).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem