Theo ông Duy, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất… Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để việc tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.
WinCommerce của Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: Hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu,… phục vụ cho việc đón tết.
Bà Tạ Thị Minh Hợp - Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho biết: Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ và đa dạng hàng hóa với tiêu chí "Tươi ngon thượng hạng" cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ tháng 9, 10, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực.
Lượng hàng hoá hệ thống WinMart/WinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết sẽ tăng 40 - 50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ tết.
Nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, WinCommerce tập trung vào các chương trình khuyến mại với nhóm hàng thiết yếu, tổ chức các hội chợ - lễ hội nông sản; cung cấp các giỏ quà tết chỉ từ 299.000 đồng/giỏ. Năm nay, hệ thống WinMart còn chú trọng khai thác các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Để đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành công thương và các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chủ động kết nối cung cầu, dự trữ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Ước tính, lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp trên địa bàn trị giá khoảng 39.000 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn thông tin, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Các mặt hàng tăng cường dự trữ gồm, gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi tăng 7 - 15% so với Tết 2021.
Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp tết như nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các doanh nghiệp nhập về nhiều hơn.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, trong đó có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật.
Các chuỗi đang cung ứng 1.370 loại sản phẩm cho 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn. Cùng với đó, Hà Nội đã chủ động liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ các chuỗi cho thị trường Hà Nội.
Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long thông tin: Chuỗi chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm A-Z của HTX đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt để từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sẽ cung cấp khoảng 150-200 tấn thịt lợn cho thị trường Hà Nội.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay số lượng chuỗi liên kết nông sản của Hà Nội đang đứng đầu cả nước, nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số chuỗi chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn...; nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn.
Được biết, Hà Nội đang triển khai Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, số chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn sẽ tăng ít nhất 10%/năm...