Cập nhật: Tình hình cung ứng nông sản, thực phẩm từ ĐBSCL sau quyết định giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành miền Nam

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 18/07/2021 12:22 PM (GMT+7)
Nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động, thực hiện nhiều giải pháp khác nhau giúp dân tiêu thụ nông sản trong thời gian trước và trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid -19.
Bình luận 0

An Giang: 1,3 triệu tấn lúa sắp được thu hoạch

Hôm nay 18/7, thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo giúp dân tiêu thụ nông sản trong thời gian thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cụ thể là hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản theo phương châm "4 tại chỗ".

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở ĐBSCL: Nhiều địa phương chủ động giúp dân tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

An Giang và Đồng Tháp đã chủ động lên kế hoạch hỗ trợ người dân thu hoạch lúa hè thu 2021 trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: Huỳnh Xây)

Hiện nay, tỉnh An Giang đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa hè thu 2021 với sản lượng cần tiêu thụ khoảng trên 1,3 triệu tấn.

Theo đó, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch tỉnh An Giang đã đồng ý sẽ hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng lao động có đăng ký tham gia phục vụ thu hoạch, vận chuyển lúa hè thu 2021 cho các thương lái, doanh nghiệp theo hình thức mẫu gộp.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong tỉnh lên phương án thu hoạch lúa hè thu năm 2021 cụ thể từng vùng trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện vận chuyển và thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển đường bộ. Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh sẽ hướng dẫn các thủ tục vận chuyển hàng hóa đi qua các địa bàn đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đồng Tháp: Kịch bản xấu nhất sẽ huy động quân đội, công an hỗ trợ thu hoạch nông sản

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có kịch bản giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lúa gạo. Đây là kịch bản cuối cùng trong 3 kịch bản tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Ở kịch bản này, dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng toàn diện, trong đó có hoạt động xuất khẩu nông sản.

Theo kịch bản đưa ra, tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo nhiều ngành chức năng có liên quan hỗ trợ, giúp người dân, hợp tác xã từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ lúa gạo khi vụ thu hoạch.

Ngoài lúa gạo, các loại trái cây (xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít, ớt, hoa kiểng, ổi) và thủy sản cũng được tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ tương tự.

Riêng về khâu thu hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ huy động các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, thiết bị sấy nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản. Về khâu tiêu thụ, tỉnh sẽ kết nối với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ,điểm bán nông sản thị trường nội địa và các kênh bán hàng trực tuyến.

Ở kịch bản 1 và kịch bản 2, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản tại hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước.

Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đang chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan xây dựng kịch bản cụ thể việc huy động lực lượng, triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng từng mặt hàng nông sản với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển.

Trong trường hợp cần thiết (kịch bản 3), các địa phương có thể đề nghị các lực lượng đoàn viên, thanh niên, quân đội trên địa bàn hỗ trợ. Kinh phí thực hiện 3 kịch bản trên sử dụng nguồn kinh phí bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cần Thơ: Sẵn sàng đưa hàng trăm nghìn trái cây vào chợ, siêu thị

TP. Cần Thơ có 22.830ha trồng cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 83.016 tấn. Trong đó, nhiều nhất là diện tích trồng xoài các loại 3.002ha, nhãn 2.805ha, sầu riêng 2.648ha...Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản đang gặp khó đầu ra như nhãn, bắp ngọt, xoài cát Hòa Lộc, hẹ, rau cần ống, rau thơm, nấm bào ngư.

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở ĐBSCL: Nhiều địa phương chủ động giúp dân tiêu thụ nông sản - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân tiêu thụ khoai lang do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: Huỳnh Xây)

Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ cho biết, để giúp hội viên trong việc tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19, thời gian qua cũng như trong thời điểm hiện nay, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở Công thương, Sở NN&PTNT làm cầu nối đến các siêu thị trên địa bàn.

"Chúng tôi đề nghị các siêu thị ưu tiên nhận nguồn hàng hóa của địa phương để giảm chi phí vận chuyển. Hàng hóa nào địa phương thiếu hoặc không có mới nhận từ nơi khác chuyển về. Vừa giảm chi phí vừa góp phần bảo đảm an toàn mùa dịch và hỗ trợ được nông dân" - bà Thư nói.

Vĩnh Long: Mít, khoai lang tiêu thụ khó khăn

Tại Vĩnh Long, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều diện tích khoai lang tím Nhật và mít Thái siêu sớm gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, thương lái không đến mua, giá liên tục giảm khiến người dân bị thua lỗ nặng.

Ông Bùi Văn Chiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khâu tiêu thụ nông sản, phía Hội đã chủ động phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức "Chiến dịch khoai lang nghĩa tình" và gửi thư ngỏ đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay chia sẻ khó khăn giúp nông dân tiêu thụ khoai lang.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã phối hợp chính quyền và các ban, ngành đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ nông dân, vận động mỗi tổ chức hội cơ sở vận động hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tiêu thụ ít nhất 500 kg khoai lang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem