Dân Việt

Mang con đặc sản bò ngang về cho mẹ nấu canh, xưa nói tên nghĩ ngay đến nhà nghèo, nay nhà giàu cũng thèm ăn

Trần Thanh Xem 23/01/2022 19:17 GMT+7
Hình ảnh món canh cua đồng với cách làm thủ công do chính tay mẹ nấu ngày nào vẫn luôn sống mãi trong tôi vì tôi chỗ đó là thứ thức ăn chân phương, chan chứa hồn quê.

Tôi còn nhớ những ngày xưa yêu dấu. Cứ vào độ mưa về. Lúc ấy, lúa ngoài đồng đang trổ lác đác, tôi cùng mẹ đi ruộng bắt cua đồng. 

Đi bắt cua cũng không phải là dễ dàng như ta nghĩ vì con cua thường hay trú ngụ trong hang khá sâu. Mẹ tôi cầm cái cần ngoéo, còn tôi xách cái thùng con. Trời đã tạnh mưa nhưng ánh mặt trời không ló dạng. 

Mang con đặc sản bò ngang về cho mẹ nấu canh, xưa nói tên nghĩ ngay đến nhà nghèo, nay nhà giàu cũng thèm ăn - Ảnh 1.

Cua đồng.

Mẹ và tôi đi hết bờ ruộng này đến bờ ruộng khác, hễ thấy chỗ nào có hang cua là mẹ dung cây cần ngoéo đưa vào miệng hang và sau đó ngoéo cua ra. 

Con cua đực thì có cái càng to khỏe rất hung hăng. Tôi dùng tay bắt nó thì gã giơ hai cái càng ra để kẹp. Tôi hơi nhác tay nên đành phải nhờ mẹ bắt nó rồi bỏ vào chiếc thùng trên tay tôi đang giữ.

Đi khoảng chừng hơn một tiếng đồng hồ thì cua đã gần đầy cái thùng nhỏ. Trong thùng, những con cua nằm ngoa ngoe phun bọt nước nghe giòn tai.

Mang con đặc sản bò ngang về cho mẹ nấu canh, xưa nói tên nghĩ ngay đến nhà nghèo, nay nhà giàu cũng thèm ăn - Ảnh 2.

Cua đồng và các loại rau vườn nấu canh cua đồng.

Về đến nhà là bắt tay ngay vào công việc làm cua. Mẹ tôi dùng hai bàn tay sạm nắng tách mạnh mu cua ra khỏi con cua. Chân cua và càng cua cũng bẻ ra hết, chỉ còn lấy cái mình của con cua toàn là thịt. 

Tôi được mẹ phân công lấy gạch cua ra rồi để vào trong một cái chén nhỏ, để khi đâm thịt cua trong một cái cối được làm bằng gỗ và sau khi lượt lấy nước thịt cua đâm bằng một cái rây thì sẽ đổ gạch cua chung vào đó. 

Mẹ tôi nói gạch cua tạo độ thơm béo khi làm món cua đâm nấu canh. Riêng những cái càng cua to, tôi đem nướng với lửa than sẽ là thứ ăn ngon đáo để.

Trong khoảng thời gian tôi và mẹ đang làm cua thì chị tôi có nhiệm vụ đi hái lá rau ở quanh vườn nhà. Món canh ngọt nấu với cua đâm này cần những lá mồng tơi xanh, thêm một ít lá bồ ngót và một chút lá rau dền. Những thứ rau này rất dân dã, dễ trồng. 

Có khi, chúng mọc hoang dại thành từng đám tươi tốt. Sau khi bẻ đầy rổ rau non. Đem rửa sạch với nước, chị tôi mang vào bếp để cho mẹ chế biến thức ăn.

Bếp lửa cháy rừng rực. Nước sôi đều, mẹ tôi cho nước thịt cua đã lượt vào nồi đang nấu. Đun một ít thời gian thì thịt cua tự động kết tủa lại và nổi lên trên mặt nước. 

Mang con đặc sản bò ngang về cho mẹ nấu canh, xưa nói tên nghĩ ngay đến nhà nghèo, nay nhà giàu cũng thèm ăn - Ảnh 4.

Cua đồng...

Lúc này, các loại rau đã được rửa sẵn đem bỏ vào nồi canh. Mẹ lấy cái giá, đầu nó tròn tròn trộn đều nồi canh rồi vớt bọt. Mẹ nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Thế là món canh cua đồng đã hoàn tất. Mùi thơm nhẹ tỏa ra từ nồi canh khắp gian bếp khiến tôi thèm ăn đến chảy nước dãi.

Bữa cơm chiều mộc mạc. Cả nhà quay quần bên nhau ngồi ăn rất ấm áp, vui vẻ. Tối húp một chén canh cua đồng nghe ngọt mát cổ họng. 

Đó là cái vị ngọt của món canh đồng quê rất giản dị mà đậm đà, đong đầy tình cảm gia đình. Mẹ tôi đúng thật là người phụ nữ khéo léo trong nội trợ, đảm đang trong việc trông nom con cái.

Bây giờ, tôi đã trưởng thành. Những bữa cơm thường đủ đầy hơn ngày xưa. Và tôi cũng thường được ăn canh từ lá rau dền, mồng tơi với bồ ngót nhưng những thứ lá này hay nấu chung với thịt xay hoặc cá xay vò viên, thay thế cho cua đồng được đâm ra lượt lấy nước thịt. 

Chắc có lẽ cua đồng thời này khan hiếm chăng? Hay do cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, tất bật hơn nên người ta đã quên dần cái món canh cua đồng chân quê ấy.

Hình ảnh món canh cua đồng với cách làm thủ công do chính tay mẹ nấu ngày nào vẫn luôn sống mãi trong tôi vì tôi chỗ đó là thứ thức ăn chân phương, chan chứa hồn quê. Nó như nhắc nhở tôi nhớ về một thời xa xưa nghèo khó của gia đình, một thời lam lủ nhọc nhằn của mẹ và một thời ấm lạnh có nhau.