Theo 19FortyFive, xét về địa lý, Kaliningrad giáp giới với Ba Lan và Litva, là nơi có thể gây "rất nhiều cơn đau đầu" cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Cụ thể, khu vực này được trang bị vũ khí tốt với hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật có độ chính xác cao như "Iskander-M" và các phi đội máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình. Ngoài ra, tờ báo cũng nhận định, Kaliningrad là nơi đồn trú của lực lượng Hải quân Nga đồ sộ và mối đe dọa này phải được hoá giải. Trước đây, trang National Interest (NI) cũng từng đánh giá, Kaliningrad tiền đồn quân sự được trang bị mạnh nhất của Nga. NI cho rằng, Kaliningrad là một vùng bán tách biệt của Nga, theo đúng nghĩa đen là được "phủ lông" bằng các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400, tên lửa chống hạm "Onyx" và hệ thống tên lửa "Iskander". Nhờ có khu vực này, Nga trở thành mối đe dọa của NATO "trong vòng bán kính hàng trăm dặm".
Theo 19FortyFive, nhiệm vụ vô hiệu hóa khu vực trong trường hợp chiến tranh có thể được giao phó cho các nước láng giềng thành viên NATO là Ba Lan và Litva, tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện. Do đó, các quốc gia châu Âu cần khẩn cấp tăng cường khả năng phòng không và vũ khí bằng cách triển khai các tổ hợp trên lãnh thổ, có khả năng đối đầu với vũ khí Nga. Quan sát viên tin chắc sẽ đạt hiệu quả bằng việc mua sắm các hệ thống phòng không "Patriot" của Mỹ, xe tăng M1 "Abrams" và máy bay thế hệ thứ năm F-35 Lightning II.
19FortyFive nhận định, Litva không đủ khả năng mua vũ khí đắt tiền như vậy tuy rất cần lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Trước đó, Tổng thống Belarus Alexandr Lukashenko thông báo về việc Ba Lan và các nước Baltic đã tập trung hơn 30.000 binh sĩ, thiết bị quân sự và vũ khí ở biên giới. Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov tuyên bố rằng không thể không chú ý đến việc điều chuyển các lực lượng của NATO đến biên giới của Nhà nước Liên minh.