Dân Việt

Trồng thứ cây leo lung tung, ra thứ củ như dây thừng buộc trâu, có 1ha mà ông nông dân Vĩnh Phúc thu 3,6 tỷ

Thăm mô hình trồng cây ba kích của gia đình ông Lăng Văn Thanh, tổ dân phố Đồng Lính, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với ý chí làm giàu của một người dân tộc Sán Dìu. Không chỉ cho thu nhập cao, mô hình trồng cây ba kích của ông còn góp phần bảo tồn loài dược liệu quý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lăng Văn Thanh cho biết, mặc dù diện tích đất rừng của gia đình rộng nhưng trước đây, gia đình ông chỉ trồng sắn và bạch đàn nên thu nhập thấp. 

Sau nhiều lần tìm hướng phát triển kinh tế và tham quan một số mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, ông Thanh quyết định đầu tư cải tạo hơn 1 ha đồi rừng trồng sắn sang trồng gần 20.000 cây ba kích tím.

Trồng thứ cây leo lung tung, ra thứ củ như dây thừng buộc trâu, có 1ha mà ông nông dân Vĩnh Phúc thu 3,6 tỷ - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây ba kích tím-một trong những cây dược liệu quý ở Tam Đảo của gia đình ông Thanh mở hướng đi mới cho người dân Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng do dự và lo lắng lắm vì các mô hình tôi được biết và tham quan cây ba kích mới được người dân trong vùng trồng tại vườn, ở những vùng đất bằng phẳng, trong khi đất đồi rừng nhà tôi lại dốc. Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết tâm trồng ba kích thử với mong muốn mang lại thu nhập cao và phát triển ba kích trên vùng đất đồi rừng tại địa phương.”

Sau gần 3 năm, vườn cây ba kích của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. 

Đầu năm 2021, ông Thanh đầu tư mở rộng hơn 2 ha đất rừng, trồng thêm 40.000 gốc cây ba kích. Để có nguồn nước tưới cho cây, ông san gạt, xây bể chứa nước với nguồn nước lấy từ trên núi và đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ hơn 3 ha cây ba kích.

Cũng theo ông Thanh, cây ba kích tím không khó trồng nhưng để đạt tỷ lệ sống cao và cây sinh trưởng phát triển tốt phải làm tốt các khâu từ chọn giống, làm đất cho tới chăm sóc. 

Riêng về cây ba kích giống, ông chọn lựa kỹ với các tiêu chí khỏe mạnh, không sâu bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển đầy đủ và còn nguyên bầu. Vì đây là cây dược liệu lấy củ nên tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi làm đất.

Các loại phân sử dụng phù hợp cho cây ba kích tím là phân chuồng hoại mục và phân NPK. Với cây ba kích, khâu làm cỏ, xới đất rất quan trọng để cây sinh trưởng và phát triển tốt. 

Trong 2 năm đầu, mỗi năm làm cỏ, xới đất 4 lần, giúp đất tơi xốp tạo điều kiện cho cây ba kích tím phát triển thuận lợi và giúp vệ sinh vườn trồng, hạn chế tình trạng nấm bệnh phát sinh, phát triển.

Theo tính toán của ông Thanh, giá trị kinh tế của cây ba kích mang lại khá cao, thị trường tiêu thụ lớn, nếu trồng cây ba kích thành công trên vùng đất dốc sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. 

Với diện tích 1 ha trồng 20.000 cây ba kích, mỗi cây cho khoảng từ 3-4 củ, trọng lượng từ 1,5-2 kg, giá bán củ ba kích tím dao động từ 120.000-140.000đồng/kg như hiện nay, thì 1ha ba kích ước thu về hơn 3,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận người trồng 1ha cây ba kích tím thu được là 1,5 tỷ đồng với chu kỳ 4,5 đến 5 năm. Lợi nhuận từ trồng cây ba kích ao hơn nhiều lần so với trồng cây sắn, keo, bạch đàn trên cùng một diện tích đất rừng.