Vĩnh Phúc: Đi săn con kêu râm ran ngoài đồng lúc nhá nhem về làm thức ăn cho loài rắn kịch độc

Thứ năm, ngày 03/06/2021 06:12 AM (GMT+7)
Khi trời vừa nhá nhem, các loại cóc nhái cất tiếng kêu râm ran ngoài đồng cũng là lúc nhiều thợ săn bắt đầu xách đồ nghề lên đường đến 2 - 3 giờ sáng mới quay về.
Bình luận 0

Tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), nơi nổi tiếng với nghề nuôi rắn khi số lượng lên đến hàng triệu con thì nhu cầu về thức ăn cho loại "độc xà" này là vô cùng lớn.

Thức ăn chính của loại rắn kịch độc này chính là những con cóc, con nhái. Vì thể, để đủ thức ăn cho rắn nuôi của gia đình và tăng thêm thu nhập, nhiều người dân đã mưu sinh bằng nghề săn bắt các loại cóc nhái ban đêm.

Hàng ngày, khi trời vừa nhá nhem là lúc những loại ếch nhái cất tiếng kêu râm ran ngoài đồng. Đây cũng là lúc nhiều "thợ săn" xách đồ nghề ra đồng bắt đầu hành trình săn bắt cóc nhái đến tầm 2 - 3 giờ sáng mới quay về.

Vĩnh Phúc: Đi săn con kêu râm ran ngoài đồng lúc nhá nhem về làm thức ăn cho loài rắn kịch độc - Ảnh 1.

Những "thợ săn" này phải làm việc xuyên đêm

Nói là đồ nghề nhưng trên thực tế, dụng cụ để săn bắt khá đơn giản, chỉ gồm bình ắc - quy, đèn pin soi gắn ở trán, một cây vợt và giỏ đựng cóc nhái.

Vừa rảo bước nhanh cho kịp giờ săn, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) - người có nhiều kinh nghiệm bắt cóc, soi nhái vừa cho biết, muốn bắt được nhiều thì phải chịu khó di chuyển khá xa bằng xe gắn máy bởi đi càng xa, càng ở những nơi có nhiều đồng cỏ mới bắt được nhiều. Còn những nơi gần khu dân cư, mọi người đã săn bắt nhiều nên các loại cóc nhái đã cạn kiệt.

Do săn bắt vào ban đêm, da cóc nhái thường lẫn màu với các loại cây cối, bùn đất nên khó trông thấy vì vậy để săn bắt được nhiều, đòi hỏi "thợ săn" phải có nhiều kinh nghiệm khi thường xuyên căng mắt, theo dõi mọi động tĩnh trước mặt.

Vĩnh Phúc: Đi săn con kêu râm ran ngoài đồng lúc nhá nhem về làm thức ăn cho loài rắn kịch độc - Ảnh 2.

Một con nhái được phát hiện và chộp dính.

Mỗi lần ánh đèn soi lướt qua, nếu phát hiện có chấm đỏ do ánh mắt của cóc hoặc nhái phản chiếu ánh sáng đèn pin thì "thợ săn" phải nhanh chóng dùng vợt chụp xuống để "con mồi" hốt hoảng nhảy vào vợt.

Trung bình một "thợ săn" bắt được khoảng 2 – 4kg/ mỗi tối. Những ai chịu khó đi xa hơn, ít người đến săn thì khoảng 5 – 6 kg. Khi trời gần sáng cũng là lúc họ đem thành quả về.

"Thỉnh thoảng đi bắt cóc, soi ếch nhái ban đêm gần khu vực các hộ dân sinh sống làm chó nhà họ sủa inh ỏi, người ta tưởng trộm còn ra đuổi đi nhanh. Hay có những hôm mải đi theo đường ruộng nên lạc vào những bãi nghĩa địa cũng hơi ghê sợ nhưng mãi rồi thành quen vì đó là nghề mưu sinh của mình", ông Hùng chia sẻ về công việc.

Vĩnh Phúc: Đi săn con kêu râm ran ngoài đồng lúc nhá nhem về làm thức ăn cho loài rắn kịch độc - Ảnh 3.

Một số loại cóc nhái sẽ được sử dụng làm thức ăn cho rắn hổ mang.

Sau một đêm ròng miệt mài theo đuổi những con cóc, con nhái, sáng sớm ngày hôm sau ông Hùng trở về với giỏ xách nặng trĩu những chú nhái còn nhảy xon xót.

Các loại cóc nhái soi về sẽ được phân loại lớn nhỏ đem bán cho các thương lái ngay trong xã. Trung bình những loại cóc to sẽ được bán với giá từ 50 - 70 nghìn đồng/kg, cóc nhỏ có giá 20 – 30 nghìn đồng/kg để làm thức ăn cho rắn.

Riêng đối với các loại khác như nhái, chão chuộc, ếch sẽ được bán với giá cao hơn khoảng 100 – 150 nghìn đồng/kg vì có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sản như rang, xào, băm chả hoặc nấu cháo.

Với lượng nhái bắt được ông đã có ít tiền bỏ túi. Ông chia sẻ thêm, mặc dù thu nhập từ nghề soi bắt nhái không cao nhưng nhờ hàng trăm hộ nuôi rắn hổ mang với số lượng lên đến vài nghìn thậm chí hàng vạn con rắn thường xuyên nên nhu cầu thức ăn lúc nào cũng có. Cũng vì thế những người làm nghề soi nhái ở Vĩnh Sơn như ông không lo thất nghiệp, chỉ là công việc ngày một khó hơn vì phải đi xa.

Bên cạnh việc thu mua các loại thức ăn bên ngoài các hộ nuôi rắn vẫn coi nguồn thức ăn từ những "thợ săn" nhái trong làng là nguồn thức ăn chất lượng và yêu thích của loài rắn hổ mang. Đó cũng là cái lý để công việc này được duy trì và không biết từ bao giờ nhiều người gọi đó là nghề.


Thúy Ngà (GĐVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem