Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,022 triệu tấn, trị giá kim ngạch đạt 8,89 tỷ USD. Xuất khẩu thuỷ sản giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020.
Đây là mức trị giá đạt cao nhất từ trước đến nay.
Trong năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản lớn là tôm, cá tra, cá ngừ, chả cá, mực, bạch tuộc, nghêu, ghẹ, sò đều có trị giá tăng so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cá tra và ghẹ giảm về lượng, nhưng trị giá vẫn tăng so với năm 2020.
Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ, chả cá, nghêu và ốc thuận lợi. Đó cũng là những mặt hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong năm 2021 so với năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường.
Những ngày cuối năm 2021, nhiều công ty chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long đã phải dốc sức sản xuất, công nhân tăng ca để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Dự báo, năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Hoa Kỳ và EU. Hiện, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ với tỷ trọng chiếm khoảng 6,4%. Trong khi đó, Việt Nam cũng là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho Trung Quốc, chiếm 4,97% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.
Trong dài hạn, nhu cầu thủy sản toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tại Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2021-2030, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) dự báo mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của thế giới sẽ đạt 21,2 kg vào năm 2030, tăng so với năm 2018- 2020 bình quân 20,5 kg, tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030.
Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá phục vụ cho con người, cao hơn 4% so với giai đoạn 2018 2020. Tiêu thụ thủy sản được kỳ vọng sẽ mở rộng ở tất cả các châu lục, nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối và đổi mới sản phẩm.
Điều thuận lợi là từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển hàng đầu thế giới. Sản lượng hải sản xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây.
Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư thì sản lượng nuôi biển hàng năm (bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác) có thể đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 30-35 tỉ USD.
Riêng nuôi cá biển có thể đạt 1 triệu tấn/năm, kim ngạch 8 tỉ USD trong năm 2030.
Theo Bộ NNPTNT, việc nuôi trồng thủy sản trên biển đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang nuôi trồng trên mặt nước nói chung và nuôi biển nói riêng. Điều này sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu, làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản và quan trọng là bảo vệ tài nguyên biển Việt Nam.