Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng “khủng” trên 37% chỉ nhờ một chiến dịch

K.Nguyên Thứ ba, ngày 06/07/2021 19:36 PM (GMT+7)
Nửa đầu năm nay, trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nga… đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng thì xuất khẩu sang Trung Quốc lại sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD.
Bình luận 0

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU tăng mạnh bất chấp dịch bệnh

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), ước tính đến hết tháng 6/2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; trị giá xuất khẩu thủy sản ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% cùng kỳ năm trước và đạt 47,1% kế hoạch.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Thủy sản sáng nay 6/7/2021, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá nhìn chung xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay khá tích cực. Hầu hết mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu khá tốt trong nửa đầu năm.

Xuất khẩu thủy sản  tăng “khủng”: Hiệu ứng từ chiến dịch vaccine - Ảnh 1.

Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm. (Ảnh: Thanh Cường).

Sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371.000 tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020). Về cá tra, diện tích thả nuôi nửa đầu năm đạt 1.750ha, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 704.100 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 31/5/2021 đạt 637,9 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020 (556 triệu USD).

Về mặt thị trường, ông Nam cho biết, thị trường tăng trưởng xuất khẩu thủy sản lớn nhất là Nga, tăng tới 61%.

Các thị trường lớn khác cũng có tăng trưởng xuất khẩu đáng kể là Mỹ tăng 37%; EU tăng 21%; thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 12%; duy nhất xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 6%...

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trưởng lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến.

Tôm sẽ được đánh mã số vùng trồng

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu cả năm, ông Nguyễn Quang Hùng khẳng định, Tổng cục Thủy sản xác định sẽ tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và kiểm tra tính xác thực của chứng thư các lô hàng xuất khẩu biên mậu, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đàm phán để khôi phục lại thị trường Arab Saudi…

 Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...

Từ góc độ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, vấn đề được ông Nam đặc biệt lưu tâm thời gian tới là câu chuyện cấp mã số nuôi trồng thủy sản cho mặt hàng chủ lực là tôm. 

"Hiện nay, Mỹ và nhiều thị trường khác rất quan tâm vấn đề này. Trong khi câu chuyện cấp mã số nuôi trồng thủy sản mặt hàng tôm hiện chủ yếu được phân về cho địa phương, tôi cho rằng Tổng cục vẫn phải đóng vai trò "nhạc trưởng" - ông Nam nói.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: "Về đánh mã số nuôi trồng thủy sản với mặt hàng chủ lực là tôm, trước mắt tất cả những nơi nào có thể đáp ứng được lãnh đạo Bộ NNPTNT đều đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc liên tục suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới". 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem