Những ngày này, trên cánh đồng Giồng Riềng (Kiên Giang) không khó tìm được những chiếc xuồng ba lá chở đầy dớn, lọp cá, lưới…của người dân chuyên sống nhờ nghề đánh bắt.
Trong khi nhiều người đặp dớn, cắm câu thì ông Ngô Văn Giang, ngụ ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng) chọn nghề đặt trúm bắt lươn đồng.
Ông Giang cho biết: “Mọi năm nước lớn, tôi đặt xà di bắt cá rô. Năm nay nước nhỏ, tôi chuyển sang đặt trúm lươn, kiếm được 3-4kg lươn/ngày, có khi 1-2kg. Lươn nhất giá bán 160 ngàn đồng/kg, lươn nhì 120 ngàn đồng/kg, lươn ba 65 ngàn đồng/kg.
Với 48 ống trúm, tôi kiếm được 200-300 ngàn đồng/ngày”. Một chân giữ xuồng, một chân đứng dưới nước, ông Giang lần lượt giở thăm từng chiếc trúm được đặt trong bụi cỏ ở góc ruộng.
Từng con lươn mập ú vàng óng lần lượt được ông trút ra khỏi trúm, nằm ngọ nguậy dưới khoan xuồng.
Là hộ có nhiều năm sống bằng nghề kéo lưới mùa nước nổi, ông Ngô Thống Em, ngụ ấp Thạnh Nguyên cho biết, từ khi nước lũ về, đêm nào vợ chồng ông đi kéo lưới từ khuya đến sáng sớm, thu được nhiều loại cá trê, cá rô, cá sặc.
Nếu chịu khó đi đồng xa thì mỗi đêm cũng kiếm được từ 300-400 ngàn đồng.
Ông Thống Em nói: “Mùa nước này nhờ có nghề kéo lưới, giăng lưới mà có thu nhập hàng ngày. Mùa nước năm nay tôi còn thả nuôi trên ruộng gần chục kilogram cá chép, cá mè giống, chờ khi nước rút sẽ thu hoạch cá bán trang trải chi phí đầu vụ đông xuân cho 5 công ruộng”.
Vợ ở nhà bắt ốc bươu vàng lể thịt bán, anh Trần Văn Nam, ngụ ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc phải đi xa nhà gần chục kilomet để đặt lọp ếch.
Anh Nam có 100 cái lọp ếch chất đầy trên xuồng được neo dưới kênh cạnh đó. Trong mỗi chiếc lọp đều đặt sẵn vài con cá sặc chặt nhỏ làm mồi nhử ếch chui vào lọp.
Theo anh Nam, đặt lọp ếch mùa nước nổi thuận lợi hơn vì nước ngoài đồng ngập lút bờ, ếch hết nơi trú ngụ sẽ tụ về vườn. Ếch đánh hơi mồi sẽ chui vào lọp. Nếu siêng tìm chỗ đặt mới thì mỗi đêm bắt từ 6-7kg ếch, bán được hơn 300 ngàn đồng”.
Ngoài mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản, người dân Giồng Riềng (Kiên Giang) còn trồng điên điển trong mùa nước nổi để kiếm thêm thu nhập.
Theo người dân trồng điên điển, trước điên điển mọc tự nhiên bạt ngàn, nhưng do trồng lúa thâm canh nên không còn chỗ cho điên điển tự mọc.
Từ đó, nhiều người nảy ra sáng kiến trồng điên điển bằng cách chọn hạt giống phơi khô, khi lúa hè thu xuống giống thì tỉa hạt điên điển hoặc chặt nhánh cặm ven bờ ruộng, bờ mương, kênh, rạch.
Khi lúa hè thu thu hoạch, nước lũ về cũng là lúc điên điển ra bông mà không cần phải tốn công chăm sóc.
Đứng trước mũi xuồng đang tiến vào giữa đồng điên điển sau nhà, ông Nguyễn Hoàng Lạc, người có gần chục năm trồng điên điển ở ấp Cây Quéo, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng) cho biết, từ đầu mùa nước nổi đến nay, ngày nào ông cũng dậy từ 3-4 giờ sáng để kịp thu hoạch điên điển giao cho khách.
Bông điên điển hái vào ban đêm còn nguyên búp nên giữ được hương thơm, vị ngọt, vận chuyển xa ít bị dập và bảo quản được lâu. Giá bán bông điên điển loại còn búp cao hơn loại nở 5.000 đồng/kg.
Bơi mũi xuồng lần theo những gốc điên điển vàng rực những chùm bông, ông Lạc nói: “Một mình tôi có thể hái từ 5-6kg bông điên điển/ngày, bán với giá 35 ngàn đồng/kg. Ngoài điên điển, tôi còn nhổ cù nèo, rau mác sau nhà bán cho bạn hàng. Mỗi ngày cũng thu nhập gần 300 ngàn đồng”.