Ông nông dân có đôi tay "phù thủy" hô biến trái cây thư pháp "Phúc-Lộc-Thọ" đủ đầy, thu 100 triệu ngày Tết

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 04/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Để nâng giá trị trái cây, nông dân có nhiều cách làm, như làm trái cây sạch. Nhưng với anh Nguyễn Minh Khánh (xã Bình Châu, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu), việc chọn làm trái cây thư pháp "Phúc-Lộc-Thọ" đủ đầy ngày Tết đã giúp anh nâng giá trị trái cây lên gấp 5-10 lần.
Bình luận 0

Sau vụ trái cây thư pháp, hồ lô Tết năm 2022, anh nông dân Nguyễn Minh Khánh (xã Bình Châu, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) ngồi nhẫm tính thành quả.

Đầu năm xông đất anh nông dân “phù phép” nhào nặn trái cây, thu 100 triệu ngày Tết - Ảnh 1.

Anh nông dân Nguyễn Minh Khánh (xã Bình Châu, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) kiểm tra xoài thư pháp. Ảnh: Trần Đáng.

Thắng vụ trái cây thư pháp chưng Tết

Trước khi xông đất nhà anh Minh Khánh, tôi hỏi anh  Võ Thành Lễ (xã Mỹ Đức Tây, Cái Bè, Tiền Giang), một nông dân làm xoài thư pháp, về vụ xoài thư pháp Tết nay.

Anh Lễ cười khà khà: "Thương lái lấy không còn một trái. Giá xoài thư pháp Tết nay cũng khá tốt".

Cùng niềm vui với anh Lễ, anh Khánh cũng cho biết, bán hết số lượng xoài, đu đủ thư pháp với 200 trái.

Ngoài ra, anh Khánh còn bán 80 trái đu đủ và dừa hô lô.

"Đu đủ, xoài thư pháp giá 120.000 đồng/trái, lẻ 150.000 đồng/trái. Dừa, đu đủ hồ lô giá 200.000 đồng/trái", anh Khánh thổ lộ.

Theo anh Khánh, Tết nay số lượng trái cây thư pháp, hồ lô anh bán ra bằng một nửa so với năm ngoái.

"Do đoán trước dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức mưa của người dân, nên thương lái đặt làm ít đi. Tôi cũng không dám làm thêm nhiều vì sợ dư hàng", anh Khánh bộc bạch.

Anh Khánh cũng cho biết, mặc dù giá trái cây thư pháp, hồ lô Tết nay không bằng năm ngoái, nhưng vẫn là giá tốt.

"Với giá này cao hơn nhiều lần với giá trái cây thường, vậy là quá tốt", anh Khánh chia sẻ.

Theo anh Khánh, vụ Tết năm sau anh sẽ tăng lại số lượng trái cây thư pháp, hồ lô lên 500 trái như những năm trước.

Anh cũng nghiên cứu kỹ thuật làm thêm sản phẩm dưa lưới thư pháp chữ nổi.

Đầu năm xông đất anh nông dân “phù phép” nhào nặn trái cây, thu 100 triệu ngày Tết - Ảnh 2.

Sản phẩm xoài thư pháp của anh nông dân Minh Khánh. Ảnh: Trần Đáng.

Anh Khánh cho rằng, dưa lưới có vân nên làm chữ thư pháp nổi rất đẹp. Cái khó là vùng Xuyên Mộc chưa ai trồng dưa lưới để anh đặt hàng.

Tầm sư học hô biến trái cây thư pháp hút hàng

Trái cây độc, lạ phục vụ thị trường Tết được nông dân miền Tây khởi phát hơn chục năm nay. Tôi nhớ không lầm, đầu tiên là dưa hấu vuông.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, mỗi nông dân làm trái cây độc, lạ có một món riêng chứ không đa món. Như anh Lễ chỉ độc mỗi món xoài thư pháp.

Có nhiều lý do bởi khách quan và chủ quan, như: Vườn nhà chỉ trồng mỗi xoài, dưa hấu hay dưa lưới…; rất mất thời gian chăm sóc, chỉnh sửa…

Tuy nhiên, anh Khánh lại chủ trị được nhiều loại trái cây độc, lạ. Anh có thể vừa làm đu đủ, xoài thư pháp, vừa làm dừa, đu đủ hồ lô.

Theo anh Khánh, Tết năm sau anh sẽ làm thêm dưa lưới chữ thư pháp nổi.

"Tôi đang tìm hiểu kỹ thuật làm dưa lưới chữ thư pháp nổi. Dưa lưới có vân nên làm chữ nổi rất đẹp", anh Khánh chia sẻ.

Anh Khánh cho biết, để làm được nhiều món trái cây độc, là như vậy là do anh cất công tầm sư học nghề.

Đầu năm xông đất anh nông dân “phù phép” nhào nặn trái cây, thu 100 triệu ngày Tết - Ảnh 3.

Dừa hồ lô, một sản phẩm mới của anh nông dân Minh Khánh. Ảnh: Trần Đáng.

Khởi đầu để làm xoài thư pháp, anh Khánh phải cất công lặn lội về tận Bến Tre để học nghề.

"Đúng ra chủ vườn không nhận dạy nghề. Tôi năn nỉ riết họ mới nhận dạy. Nhưng họ bảo muốn học tôi phải trả tiền", anh Khánh thổ lộ.

Cũng theo anh Khánh, khóa học nghề trái cây độc, lạ chỉ kết thúc khi học viên làm được sản phẩm.

Kết thúc khóa học làm xoài thư pháp anh Khánh mất 6 tháng và học phí là 7 triệu đồng.

Anh Khánh cho rằng, công đoạn định hình chữ mất rất nhiều thời gian vì nếu làm không tốt sẽ khiến bao trái bị dịch chuyển, chữ bị nhòe.

Nếu để nắng xuyên qua kẽ hở của bao, trái sẽ không bóng vàng, không đều màu.

Nếu bọc xoài sớm quá, trái xoài sẽ bị lợt màu, bọc trễ quá thì chữ thư pháp lại không nổi.

Làm đu đủ hồ lô, việc thành công khó gấp bội. Nếu ép khuôn mạnh tay, mủ của trái đu đủ sẽ ra làm hỏng trái.

Thêm vào đó, cuống của trái đu đủ ngắn nên rất khó cho việc ép khuôn.

Tuy nhiên, anh Khánh nhận xét, muốn làm trái cây độc, lạ thành công phải biết mẹo, kỹ thuật không quá khó.

"Mẹo mới là vấn đề cốt lõi để làm trái cây độc, lạ thành công", anh Khánh kết luận.

Đầu năm xông đất anh nông dân “phù phép” nhào nặn trái cây, thu 100 triệu ngày Tết - Ảnh 4.

Anh nông dân Minh Khánh bọc xoài để tạo chữ thư pháp. Ảnh: Trần Đáng.

Trong khu vườn rộng 2ha, anh Khánh đang trồng 100 gốc xoài Đài Loan, 200 gốc đu đủ... để làm trái cây thư pháp, hồ lô, thỏi vàng chữ nổi.

Hiện, thị trường chính trái cây độc, lạ của anh Khánh là TP.HCM và Đà Nẵng.

"Thị trường trái cây độc, lạ rộng mở. Sản phẩm tôi làm bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Giá trị trái cây độc, lạ cao gấp nhiều lần trái cây thường", anh Khánh thổ lộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem