Dân Việt

Lai Châu: Xuống suối bắt cá bống đem vùi tro-món đặc sản ở Mường So, ăn một lần rồi nhớ suốt mấy năm trời

Thanh Giang 06/02/2022 13:00 GMT+7
“Ước được ăn cá bống vùi gio/ Ước được về Mường So thăm nàng…”, một lần tình cờ nghe bài hát đậm chất dân ca Thái của nhạc sĩ Vương Khon, tôi đã không cưỡng nổi sự tò mò, ham thích và tìm đến miền đất Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để được thưởng thức món ăn đặc sản này

Xã Mường So của Phong Thổ là nơi người Thái trắng sinh sống lâu đời. Giữa núi non trùng trùng điệp điệp, Mường So nằm gọn trong một thung lũng nhỏ, đất đai trù phú, sông suối tràn trề. 

Có khí hậu vùng cao trong lành, mát mẻ, lại được phù sa của dòng Nậm Na và Nậm Lùm bồi đắp, Mường So nức danh với các sản vật gạo ngon, ngô tốt.

 Những cô gái Thái nơi đây tóc đen, da trắng, hát hay, xòe giỏi, lại khéo tay và gìn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền đặc sắc trong trang phục, ẩm thực...

Lai Châu: Cá bống suối vùi tro-món đặc sản ở Mường So, ăn một lần rồi nhớ suốt mấy năm trời - Ảnh 1.

cá bống suối Mường So

Ðể khám phá món ẩm thực mới, tôi đến bản Vàng Pheo tìm bà Lò Thị Ðối, người được ca ngợi là làm món này ngon nhất nhì cả xã. 

Vàng Pheo cũng là nơi lý tưởng để trải nghiệm, khám phá cuộc sống của người Thái, bởi nơi đây đã phát triển một số hoạt động, dịch vụ du lịch cộng đồng.

Lai Châu: Cá bống suối vùi tro-món đặc sản ở Mường So, ăn một lần rồi nhớ suốt mấy năm trời - Ảnh 2.

Ẩm thực của người Thái Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) không thể thiếu món cá bống vùi tro.

Cá bống chiên hay kho vốn không xa lạ trong nhiều bữa cơm gia đình miền xuôi, nhưng cá bống vùi tro là đặc sản Lai Châu với hương vị cực kỳ độc đáo, ăn một lần là nhớ mãi. 

Cá bống suối Nậm So sống trong dòng nước mát lạnh, gập ghềnh sỏi đá, chỉ to cỡ ngón tay cái nhưng nhiều thịt, xương mềm. 

Cá bống được bắt lên tươi rói, làm sạch, tẩm ướp thật đều tay với hỗn hợp gồm sả, ớt, gừng, hạt tiêu, lá húng, và đặc biệt là mắc khén, lá hom - những gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. 

Khi cá đã thấm gia vị thì xếp vào lá dong bánh tẻ, gói kín lại, vùi vào tro bếp lửa, khoảng 30 phút thì lật một lần, sau 2-3 lần thì cời tro lấy ra.

Theo bà Ðối và các chị, các bà “đầu bếp” đầy kinh nghiệm ở đây, món cá bống vùi tro này chế biến tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tinh tế và cẩn thận. 

Mẻ cá bống được chọn nướng phải to đều nhau, để đạt độ chín đồng đều, không con nào bị cháy hay bị tái. Gia vị phải thật nhuyễn và không được thiếu đi món nào. 

Thêm một bí quyết nữa là ước chừng thời gian trở cá phải chuẩn, sao cho dỡ ra là dùng được ngay, không mở bọc nhiều lần. 

Cũng vì cầu kỳ, cá bống vùi tro thường chỉ đãi khách quý với số lượng ít người, không thể làm hàng loạt cho nhiều bàn tiệc được.

Trên mâm cơm của gia chủ người Thái đã có xôi ngũ sắc, thịt lợn bản, nộm rau dớn và nếu có thêm món cá bống vùi tro vừa dỡ, nóng hổi, ngọt lịm, dậy mùi thơm ngào ngạt thì thật hấp dẫn. 

Nếm thử miếng cá bống vùi tro, vị rất bùi mà không bị ngấy. Cá bống nướng đậm đà, dai dai, thơm lừng mùi mắc khén quyện thêm chút hương lá dong, sả thơm, gừng cay, mắc khén nồng, lá hom rừng thì hơi hăng… trộn vào nhau, mang đến mùi vị rất riêng biệt.