Trồng địa lan quý hiếm trong rừng, giáp Tết nông dân Lai Châu mang ra bán, thu hàng trăm triệu
Lai Châu: Cả năm "giấu" loài hoa quý trên rừng, giáp Tết khiêng về bán dễ dàng kiếm trăm triệu
Minh Phương
Thứ hai, ngày 10/01/2022 06:16 AM (GMT+7)
Anh Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) vừa khoe, dù còn 20 ngày nữa mới đến Tết Nhâm Dần 2022, nhưng khách về bản mua địa lan rất nhiều. Nhờ khách về mua địa lan chơi Tết sớm mà đến nay bà con ở bản đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Người đầu tiên có công phát hiện và đưa địa lan trở thành cây "vàng" làm giàu cho người dân trong bản Sin Suối Hồ là trưởng bản Vàng A Chỉnh. Anh Chỉnh kể: "Năm 2009, mình hay đi rừng, đi nương, thấy một loại cây cho hoa rất đẹp liền lấy về nhà trồng thử ở trước cửa...".
Tình cờ phát hiện ra "kho báu"-địa lan trong rừng
Anh A Chỉnh trồng 2 chậu địa lan rừng, thấy cây nào cũng dễ sống. Năm 2011, khi ấy cũng giáp Tết như năm nay, cả 2 chậu hoa địa lan quý của A Chỉnh đều có nhiều nụ rất đẹp. Có mấy người dưới thị xã Lai Châu lên chơi, họ nhìn chậu hoa của anh thấy thích rồi trả giá luôn 3 triệu/ chậu.
"Phấn khởi quá mình bán luôn, rồi cứ nghĩ mãi, chỉ là một loại hoa rừng mà nó mang lại giá trị cao như thế sao mình không tuyên truyền bà con mình cùng nhân giống, trồng nhiều hơn...", anh A Chỉnh nhớ lại.
Nói là làm, khi lên là trưởng bản , anh Chỉnh đã họp mặt bà con, kể lại chuyện 2 chậu địa lan rồi hướng dẫn bà con tìm địa lan trong rừng mang về nhà trồng. Năm 2011 có 20 hộ đã cùng mình lên rừng lấy địa lan về trồng tại nhà.
Sau 2 năm thì lứa cây địa lan bắt đầu cho nụ, ra hoa bán dịp Tết, trung bình mỗi hộ thu gần 100 triệu đồng. Thấy lợi nhuận từ địa lan rất cao nên các hộ trong bản đã cùng nhau nhân giống và ngày càng mở rộng số chậu địa lan...
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh kể: Năm 2011, anh mới bắt đầu vận động một số hộ trồng địa lan nhưng đến nay 100% các hộ trong bản đều trồng địa lan.
Hiện nay, hoa địa lan ở Sin Suối Hồ có 4 màu: vàng, xanh, đỏ, tím, trong đó du khách chuộng nhất là màu đỏ và màu tím.
Một cành hoa địa lan màu tím bán tại bản đã có giá 300.000 đồng. Một chậu địa lan giá trị là có nhiều cành hoa to, dài, nụ to, màu đậm, được uốn thành cách hình khác nhau tùy theo sở thích của mỗi khách hay thẩm mỹ chủ vườn.
Đến Sin Suối Hồ vào dịp giáp Tết, những chậu địa lan đã được uốn, tạo hình kỳ công để lên đường đến với khách khắp nơi. Là điểm du lịch, thời gian gần đây Sin Suối Hồ thu hút khách từ khắp nơi trong cả nước, địa lan Sin Suối Hồ vì vậy cũng theo du khách có mặt khắp nơi để tô điểm sắc màu cho cuộc sống.
Theo anh Vàng A Chỉnh, địa lan Sin Suối Hồ được khách từ Sa Pa (Lào Cai), Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Điện Biên ưa chuộng vì màu sắc đẹp và độ bền lâu.
Hiện nay giống địa lan hoa tím thuộc hàng hiếm nên người dân trong bản bảo nhau kết hợp nhân giống, giữ giống.
Những hộ có loại địa lan hoa tím sẽ chia sẻ giống cho những hộ khác để phát triển dần loại địa lan tím này. Về cơ bản mỗi hộ đã có từ 1 đến 2 chậu địa lan hoa tím và đang tiếp tục nhân giống để cung cấp cho khách ở các tỉnh, thành trong cả nước..
Theo anh Chỉnh, bản Sin Suối Hồ có 136 hộ dân, đến nay đã có 100% số hộ trong bản trồng địa lan, vừa để trang trí làm đẹp nhà, đẹp bản, vừa để làm kinh tế.
Cả bản Mông giàu lên nhờ trồng địa lan
Theo giá thị trường hiện nay, một chậu địa lan khi trổ bông cho giá thấp nhất cũng 2 triệu đồng, chậu to, hoa đẹp có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Trong đó đã có những hộ sở hữu hàng nghìn chậu địa lan, có hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ Hảng A Dơ có 1.000 chậu lan quý mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng...
Khí hậu mát mẻ quanh năm ở Sin Suối Hồ là điều kiện tốt nhất để địa lan sinh sôi, phát triển. Dù chưa được học qua bất kỳ trường lớp nào, cũng chưa từng đi xa để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ ai nhưng anh Hảng A Dơ cũng có trong tay trên 1.000 chậu địa lan, trong số đó có khoảng gần 40% là chậu địa lan hoa tím.
Anh Dơ tiết lộ: "Mô hình đưa địa lan lên rừng rất hay, giúp cây hoa này luôn khỏe, các nhánh hoa phát triển đều đẹp hơn hàng lan ở các vùng khác. Tính riêng gia đình tôi, mỗi năm cũng có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ loài lan quý tộc này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.