Phát triển chất lượng và số lượng
Với mong muốn phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 9/3/2021 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng.
Chương trình OCOP được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện tại 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố Hải Phòng. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP liên kết thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; Liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.
Chia sẻ với Báo NTNN, ông Tăng Xuân Thọ - Chi cục trưởng chi cục PTNT cho biết: Đến nay thành phố đã công nhận được 126 sản phẩm OCOP thì riêng năm 2021, Chương trình OCOP đã có thêm 81 sản phẩm (tăng 1,8 lần so với tổng số sản phẩm được công nhận tại các năm 2019, 2020) với 21 sản phẩm đạt 4 sao, 55 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm trà Núi Ngọc ở quận Đồ Sơn đạt trên 90 điểm (đạt tiêu chuẩn tham gia đánh giá OCOP 5 sao). Đối với 5 sản phẩm này, UBND thành phố đã có văn bản gửi Bộ NNPTNT đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (hạng 5 sao).
Các sản phẩm OCOP năm 2021 không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về chủng loại sản phẩm, ngoài các sản phẩm thuộc hai nhóm thực phẩm và đồ uống thì còn có sự tham gia của các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (như 9 sản phẩm gốm sứ hạng 4 sao của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, các sản phẩm hàng lưu niệm của HTX tre Tiên Cầm…). Sản phẩm trà Núi Ngọc ở quận Đồ Sơn được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Mỹ với nhiều triển vọng khả quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 tại Hải Phòng cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai chương trình; các chủ thể gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm do còn thiếu một số tài liệu minh chứng theo quy định…
Nâng tầm sản phẩm OCOP đất Cảng
Hải Phòng với nhiều lợi thế của thành phố biển nên vẫn còn dư địa tiềm năng trong việc tiếp tục gia tăng số sản phẩm OCOP ở nhiều lĩnh vực nhóm ngành khác.
Thành phố xác định mục tiêu hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP là 1 trong những nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình OCOP và đã có những quan tâm chú trọng nhằm truyền thông rộng rãi góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Theo đó, Chi cục PTNT đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản xuất sản phẩm OCOP với các đơn vị có hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử (Bưu điện Hải Phòng và Công ty TNHH F24). Thông qua chương trình các chủ thể đã được tiếp cận thông tin về các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn trực tiếp cách để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch.
Chỉ tính riêng năm 2021, đã có 23 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu như: Gạo ruộng rươi của HTX SXKD DVNN Thụy Hương, mật ong hoa rừng ngập mặn của HTX mật ong Tùng Hằng, các sản phẩm chế biến từ gấc của Công ty TNHH Moocos Việt Nam, các sản phẩm chế biến từ cá của Công ty TNHH thực phẩm Sovi… Bên cạnh đó, các đơn vị, sở, ngành liên quan của TP.Hải Phòng đã phối hợp triển khai quảng bá các sản phẩm OCOP như tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cung cầu cấp thành phố tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và các địa phương khác.
Nếu như trước đây các sản phẩm được bán qua các kênh truyền thống như thương lái, hệ thống đại lý, bán lẻ trực tiếp, thì hiện nay một số chủ thể đã mở rộng thị trường phân phối, đưa vào hệ thống siêu thị như Go!, Aeon mall, CoopMart và các sàn thương mại điện tử như Shope, Nowfesh, Postmart. Từ đó góp phần tăng trưởng đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như: sản lượng và doanh thu tăng (điển hình như sản phẩm nước mắm của Công ty TNHH Quang Hải, Cá mòi kho của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Sovi, Mật ong hoa rừng ngập mặn của HTX sản xuất mật ong Tùng Hằng, sản phẩm từ gấc của Công ty TNHH Moocos...).
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, để đạt được mục tiêu đề ra, TP.Hải Phòng khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Chương trình OCOP để phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường; ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP.
Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP liên kết thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường.
Bà Kim Anh - Giám đốc Công ty Công ty TNHH Moocos (Đông Hải 1, Hải An, TP. Hải Phòng) cho biết: Năm 2020, các sản phẩm từ gấc của Công ty đều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Kể từ khi tham gia OCOP, đơn vị thường xuyên được các đơn vị liên quan hỗ trợ, định hướng, xây dựng dữ liệu sản phẩm; Quảng bá, xúc tiến thương mại, ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch mẫu mã, bao bì sản phẩm… Hiện, sản phẩm từ gấc của công ty đang được bày bán tại các siêu thị trong và ngoài nước. Dự kiến, trong năm 2022, các sản phẩm làm từ gấc của công ty như dầu gấc, tương gấc, gấc tươi đông lạnh, gấc cô đặc, sữa gấc lên men, nước gấc sẽ đạt sản phẩm OCOP 5 sao.