Dân Việt

Thấy tử tù sắp bị chém đầu, Chu Nguyên Chương hỏi 1 câu và... thả người

PV 08/02/2022 14:33 GMT+7
Sau khi hỏi tên và thân thế của tử tù sắp bị chém đầu, hoàng đế Chu Nguyên Chương lập tức tha chết cho người này. Rốt cục ông là ai?

Ở thời kỳ phong kiến, quyền lực của hoàng đế là tối cao. Hoàng đế nắm giữ quyền sinh sát đối với tất cả mọi người. Nếu hoàng đế muốn ai chết thì người đó chắc chắn sẽ chết.

Chu Nguyên Chương là một vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi thiết lập quyền lực chính trị của mình, hoàng đế Chu Nguyên Chương đôi khi quá tàn nhẫn khi sẵn sàng xử lý những người được cho là mối họa tới giang sơn của ông.

Thế nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ được vị hoàng đế này tha chết vào phút chót.

Vậy, người may mắn này rốt cục là ai?

Trong thời kỳ trị vì đất nước, Chu Nguyên Chương từng nghiêm trị những tham quan và xử tử rất nhiều vị quan lớn nhỏ. Có người đã lên tiếng khuyên nhủ và cho rằng hành động của Chu Nguyên Chương là không phù hợp, bởi có người không đáng tội chết.

Chu Nguyên Chương nghe điều này thì rất tức giận nên đã ra lệnh xử tử người này.

Tuy nhiên, vào ngày hành quyết, hoàng đế Chu Nguyên Chương đột nhiên hỏi người tử tù sắp bị hành quyết rằng tên là gì. Điều kỳ lạ là sau khi biết tên và thân thế của người này, Chu Nguyên Chương đã tha chết cho ông.

Cụ thể, trước khi các phạm nhân bị xử tử hình, danh sách đều được trình lên hoàng đế xem xét. Khi nhìn thấy tên và quê quán của tử từ này, hoàng đế Chu Nguyên Chương lập tức phái người đi điều tra.

Tử từ này cũng được dẫn tới trước mặt hoàng đế. Sau khi tử tù này nói rằng ông tên là Phạm Văn Từ, đồng thời là hậu duệ đời thứ 12 của Phạm Trọng Yêm (một nhà chính trị, quân sự, nhà văn nổi danh thời Bắc Tống), hoàng đế đã ra lệnh ân xá cho ông. Sở dĩ hoàng đế Chu Nguyên Chương làm như vậy vì ông rất ngưỡng mộ tài năng và nhân phẩm của Phạm Trọng Yêm.

Thấy tử tù sắp bị chém đầu, Chu Nguyên Chương hỏi 1 câu, sau đó ra lệnh: Lập tức thả người - Ảnh 1.

Hoàng đế Chu Nguyên Chương quyết định tha chết cho tử tù sau khi biết thân thế của người này. Ảnh: Sohu

Ngoài ra, hoàng đế Chu Nguyên Chương còn viết một câu nói nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (đại ý là: "Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ"). Sau khi viết xong, hoàng đế tặng câu này cho vị quan này, và lấy đó là minh chứng cho 5 lần miễn tử ban cho con cháu của họ Phạm kể từ thời điểm đó.

Người tử tù họ Phạm không những nhờ danh tiếng của tổ tiên để thoát tội tử hình, mà còn được hoàng đế ban cho 5 lần miễn tử. Đây có thể được xem là kỳ tích.

Phạm Trọng Yêm là ai?

Thấy tử tù sắp bị chém đầu, Chu Nguyên Chương hỏi 1 câu, sau đó ra lệnh: Lập tức thả người - Ảnh 2.

Phạm Trọng Yêm là một vị quan nổi tiếng thời Bắc Tống. Ảnh: Sohu

Phạm Trọng Yêm (989 – 1052), tự Hy Văn, là người huyện Ngô, phủ Tô Châu (ngày nay thuộc Tô Châu, Giang Tô). Ông sinh ra trong gia đình quan lại ở Tô Châu. Cha của ông từng làm nhiều chức vụ khác nhau vào đầu thời nhà Bắc Tống. Tuy nhiên, sau khi cha mất sớm, mẹ tái giá, Phạm Trọng Yêm sau đó đã một thân một mình đến Nam Kinh để đèn sách. Đến năm 1015, ông đỗ tiến sĩ và bắt đầu làm quan.

Phạm Trọng Yêm từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau. Nhưng một trong những công lao nổi bật của vị quan này chính là việc ông từng đích thân cầm quân đi dẹp loạn, đồng thời hiến kế cho triều đình đánh đuổi Tây Hạ.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất cải cách việc triều chính, trong đó có thể kể đến những cải cách nổi bật như bổ nhiệm, bãi nhiệm rõ ràng; tu sửa võ bị; giảm lao dịch...

Thế nhưng cuộc cải cách này nhanh chóng thất bại vào năm 1045 do bị các quan lại, phe cánh đối lập trong triều phản đối. Kết quả Phạm Trọng Yêm cũng bị giáng chức và chuyển tới Đặng Châu, Hàng Châu, Thanh Châu.

Đến năm 1052, vị quan họ Phạm cũng qua đời vì bệnh tại Từ Châu. Ông là một vị quan thanh liêm, chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống.

Danh tiếng của vị quan này thậm chí còn giúp cho hậu duệ của ông thoát khỏi tình cảnh nguy cấp. Đây có thể được coi là một việc hiếm thấy.