Chu Nguyên Chương được coi là một trong những vị hoàng đế có xuất thân thấp kém trong lịch sử Trung Quốc. Vào cuối thời Nguyên, Chu Nguyên Chương từng là một kẻ ăn mày. Ông đã lãnh đạo nghĩa quân của mình lật đổ triều Nguyên, lập lên nhà Minh.
Có lẽ từ sự đặc biệt trong xuất thân nên Chu Nguyên Chương cũng có cách dùng người độc đáo. Những vị công thần được Chu Nguyên Chương coi trọng vốn không phải là những người quá nổi tiếng tài giỏi, trong đó có Uông Hà, một nhân vật lịch sử khiến người đời cảm động.
Năm 1354, Chu Nguyên Chương đánh tới Trừ Châu (nay thuộc An Huy, Trung Quốc), sau đó vượt sông về phía nam. Vào thời điểm ấy, dưới trướng của Chu Nguyên Chương chỉ có Lý Thiện Trưởng là người biết chữ. Trong một cuộc tấn công ở Thư Thành (An Huy), có một học giả tên là Uông Hà đã đào ngũ.
Lần đầu gặp gỡ, Chu Nguyên Chương thấy Uông Hà là một người có chút mập mạp nhưng diện mạo phi phàm liền giữ lại bên cạnh mình. Từ đó, Uông Hà trở thành người bày mưu lập kế, phân tích thời thế, giúp Chu Nguyên Chương thực hiện công cuộc chinh phạt của mình.
Uông Hà trổ tài thao lược
Khi cuộc khởi nghĩa nông dân Hồng Cân quân (quân Khăn Đỏ) lan rộng, nhà Nguyên cử tướng quân Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi thống lĩnh 20 vạn quân xuống trấn áp Hồng Cân quân. Trong vài năm, các cuộc Bắc phạt lần lượt đều bị đàn áp. Chu Nguyên Chương lúc bấy giờ đang thực hiện chiến lược thủ thành vững chắc, hoãn việc xưng vương để đề phòng sẽ trở thành mục tiêu trấn áp của quân Nguyên. Uông Hà khi đó được giao nhiệm vụ đàm phán với Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi và khiến vị tướng này dừng tấn công Chu Nguyên Chương.
Năm 1362, Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi không may bị hàng tướng của nghĩa quân Khăn Đỏ là Điền Phong mưu sát tại Ích Đô. Sau đó, Khoách Khuếch Thiếp Mộc Nhi (tên Hán là Vương Bảo Bảo) đã được thay thế chức vị của cha nuôi.
Sau khi nhậm chức, Vương Bảo Bảo mạnh mẽ tiến hành dẹp loạn. Chu Nguyên Chương lại một lần nữa phải phái Uông Hà đi đàm phán. Nhưng lần này mọi chuyện không được suôn sẻ. Vương Bảo Bảo thấy Uông Hà là một người có tài bèn giam lỏng ông lại, giữ làm người của mình. Sau đó Vương Bảo Bảo rút quân về Mạc Bắc, Uông Hà cũng bị mang theo.
Vương Bảo Bảo không ngừng đe dọa, dụ dỗ Uông Hà quy thuận
Để khiến Uông Hà quy thuận mình, Vương Bảo Bảo đã ném ông vào thảo nguyên, không cho ăn uống. Uông Hà đã đào rễ cỏ làm thức ăn. Thấy vậy, Vương Bảo Bảo lại ném Uông Hà vào sa mạc, Vương Hà dựa vào hướng mặt trời đi bộ một ngày một đêm để rời khỏi sa mạc.
Vương Bảo Bảo lại mở tiệc rượu thịt khoản đãi, nhưng Uông Hà đã nói: "Nếu tướng quân đầu hàng Ngô vương (biệt hiệu của Chu Nguyên Chương lúc bấy giờ), kẻ hèn sẽ nhận rượu thịt này". Vương Bảo Bảo nghe xong tức giận lật đổ bàn tiệc. Ông ta không ngừng ép buộc, dụ dỗ Uông Hà bằng cách hứa hẹn tiền tài, địa vị nhưng không có kết quả.
Nhân tài khiến Chu Nguyên Chương 3 lần bật khóc
Trong khi ấy, Chu Nguyên Chương không ngừng viết thư cho Vương Bảo Bảo yêu cầu đưa Uông Hà trở lại nhưng lần nào cũng bị Vương Bảo Bảo phớt lờ.
Mãi đến 6 năm sau, khi Chu Nguyên Chương thành công xưng đế, cho quân viễn chinh lên phía bắc đánh chiếm kinh đô của nhà Nguyên, Nguyên Thuận Đế (vị hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyên) chạy đến Mạc Bắc. Lúc bấy giờ Uông Hà mới được cứu. Nhưng Uông Hà trước kia mập mạp giờ lại gầy như que củi khiến Chu Nguyên Chương suýt chút nữa không nhận ra mà bật khóc thảm thiết.
Ngày hôm sau, khi Chu Nguyên Chương triệu tập Uông Hà, nghe ông báo cáo về tình hình của mình khi bị Vương Bảo Bảo nhốt, Chu Nguyên Chương một lần nữa không nhịn được mà khóc.
Ngày thứ 3, trong tiệc mừng chiến thắng, Uông Hà nói mình đã lâu không ăn thịt nên bây giờ không ăn thịt nữa, cũng khiến hoàng đế Chu Nguyên Chương đau lòng mà bắt đầu khóc.
Sau đó, Uông Hà được bổ nhiệm làm Lại bộ thị lang, đảm nhiệm tham mưu cho cuộc chiến chinh phạt Tây Bắc. Khi thắng trận trở về, Uông Hà bị bệnh, không thể tham dự công việc triều chính nữa. Chu Nguyên Chương liền để con trai thứ ba là Tấn Vương tôn Uông Hà làm thầy.
Năm Hồng Vũ thứ 9, Uông Hà qua đời, Chu Nguyên Chương ban chữ "tranh tranh thiết sắt, hạo nhiên chánh khí" (khí tiết chính trực, cốt cách mạnh mẽ). Dù Uông Hà đã qua đời nhưng cốt cách thanh cao và lòng trung thành của ông vẫn còn đó, là người anh hùng được đời sau kính trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.