Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tiếp tục tăng thêm 100 đồng/kg. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần. Nếu cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại Đắk Lắk ở mức 40.600 đồng/kg thì hiện được mua ở mức 41.500 đồng/kg.
Như vậy sau 5 lần tăng, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk tăng thêm 900 đồng/kg. Đây cũng là "kỷ lục" hiếm hoi về sự đi lên liên tục của giá cà phê. Tại các tỉnh Tây Nguyên còn lại, giá cà phê cũng tăng nhẹ thêm 100 đồng/kg.
Trong tuần, tại các vùng trọng điểm cà phê, cà phê Robusta tăng từ 800-900 đồng so với thời điểm cuối tuần trước. Hiện mức giá cà phê trung bình tại Lâm Đồng gần chạm mốc 41.000 đồng/kg. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, cà phê được mua thấp hơn mức giá trung bình tại Đắk Lắk 100 đồng/kg, đạt 41.400 đồng/kg.
So với thời điểm đầu vụ, giá cà phê hôm nay vẫn thấp hơn 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nông dân, đây là mức giá "chấp nhận được". Đặc biệt là so với thời điểm cuối năm con trâu, chỉ sau gần 2 tuần, giá cà phê đã tăng thêm 1.600 đồng/kg.
Ngược lại, nhiều nông dân vẫn hết sức lo lắng khi giá xăng dầu, phân bón vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Anh Lê Công Thành (xã Ea Toh, huyện Krong Năng, Đắk Lắk) nhận định: "Với mức tăng của phân bón, xăng dầu như hiện tại thì giá cà phê ở mức từ 50 ngàn đồng trở lên may ra nông dân mới có lãi. Gia đình tôi đang tính phương án phá cà phê chuyển đổi cây trồng".
Giống cà phê dây Thuận An có mặt trên thị trường từ năm 2017. Đây là giống cà phê thuộc sở hữu của hộ nông dân ông Nguyễn Văn Cường và bà Trần Thị Kim Mỹ (thuộc HTX Thuận An, huyện Đăk Mil, Đăk Nông).
Giống được công nhận là giống đầu dòng theo quyết định 107/QĐ-SNN tháng 3/2017 của Sở Nông Nghiệp tỉnh Đăk Nông.
Cành cây cà phê dây Thuận An phát triển mạnh, mang quả dài, có xu hướng rũ xuống, độ giao tán thấp nên có thể trồng mật độ dày. Quả to trung bình, cân đối, ít hạt lép. Theo đánh giá, cà phê dây Thuận An có thể cho năng suất từ 7-8 tấn/ha. Bên cạnh đó, cà phê dây có tỷ lệ hạt trên sàn cao, tỷ lệ hạt nhân cao- từ 3,9-4,1 ký tươi sẽ cho ra 1 ký cà phê nhân.
Cà phê dây Thuận An cũng được đánh giá là giống sinh trưởng khỏe mạnh, chịu hạn rất tốt, có khả năng kháng bệnh gỉ sắt, bệnh nấm hồng.
Anh Trần Trường Thái (thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) cho biết, gia đình anh tái canh 1,8ha cà phê bằng giống cà phê dây Thuận An. Sau 2 năm, năm 2020 vườn cà phê của anh cho thu trái bói, năng suất đạt khoảng 4,5 tấn/ha.
"Cà phê dây Thuận An sinh trưởng phát triển mạnh, năng suất ban đầu cho thấy đạt rất cao so với các giống cũ trước đây"- anh Thái cho biết.
Bà Châu Thị Liên (thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An) cũng nhận định giống cà phê dây Thuận An có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, sản lượng…. Do đó, từ 3 năm trước, gia đình bà đã chọn giống này để tái canh. Thời điểm thu bói, vườn cà phê của bà đã đạt đến gần 4 tấn/ha.
Lãnh đạo xã Thuận An ông Trần Khắc Dũng, cũng nhận định, giống cà phê dây Thuận An từ nhiều năm qua đã được cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giống cà phê dây Thuận An đang được nhiều nông dân ưa chuộng. Nhiều gia đình tại Đắk Mil đang có thu nhập khá ổn định nhờ việc ươm, bán giống cà phê này.
"Hiện tôi đang bán 10 ngàn đồng/cây cà phê dây. Tuy giá khá cao nhưng gia đình ươm đến đâu khách hàng mua hết đến đó"- một người chuyên bán giống cà phê dây Thuận An cho biết.