Giá cà phê nhân Đắk Lắk vượt mốc 41.000 đồng/kg, vì sao con ve sầu hại vườn cà phê?
Giá cà phê nhân Đắk Lắk vượt qua mốc 41.000 đồng/kg, vì sao ve sầu có thể thành dịch hại cho vườn cà phê?
Duy Hậu
Thứ năm, ngày 10/02/2022 12:15 PM (GMT+7)
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tiếp tục đà tăng sau Tết Nguyên đán. Hiện cà phê nhân xô tại Đắk Lắk đã vượt mốc 41.000 đồng/kg sau khi rớt xuống dưới 40 ngàn đồng vào thời điểm cuối năm con trâu. Ve sầu từ lâu đã trở thành dich hại trên cây cà phê, làm thế nào để phòng trừ loài côn trùng này?
Giá cà phê nhân Đắk Lắk tiếp tục đà tăng sau Tết Nguyên đán
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tăng thêm 500 đồng/kg. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp trong tuần qua. Như vậy, so với cuối tuần trước, cà phê nhân xô tại Đắk Lắk tăng thêm 900 đồng/kg.
Nếu so với thời điểm cuối năm con trâu, hiện giá cà phê nhân tại Đắk Lắk tăng thêm gần 2000 đồng/kg. Mức giá cà phê trung bình tại tỉnh này hôm nay là 41.400 đồng/kg, cao nhất so với các tỉnh còn lại của Tây Nguyên.
Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông giá cà phê Robusta hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg. Tuy nhiên, mức mua trung bình thấp hơn Đắk Lắk 100 đồng/kg, đạt 41.300 đồng/kg. Riêng tại Lâm Đồng, cà phê Robusta được mua với giá trung bình 40.800 đồng/kg.
Thông tin từ thị trường, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 tăng 24 USD/tấn (ở mức 2.270 USD/tấn); giao tháng 5/2022 tăng 25 USD/tấn (ở mức 2.259 USD/tấn).
Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 9,4 cent/lb (ở mức 258,35 cent/lb), giao tháng 5/2022 tăng 9,05 cent/lb (ở mức 258,45 cent/lb). Giá cà phê 2 sàn tiếp tục tăng mạnh khi tồn kho đạt chuẩn xuống mức thấp nhất. Hiện giá cà phê Arabica lên mức cao nhất 10 năm qua, còn Robusta lấy lại mức đỉnh so với 3 tuần trước.
Vì sao ve sầu lại gây hại cho cà phê? Làm thế nào để phòng trừ loài côn trùng này?
Nhiều năm trở lại đây, ve sầu trở thành dịch hại đối với cây cà phê. Theo ông Lê Thành Tài, một kỹ sư nông nghiệp tại Đắk Nông, do việc sử dụng quá mức một số loại thuốc bảo vệ thực vật của nông dân đã khiến các loài thiên địch của ve sầu bị chết. Vì thế khoảng 15 năm qua, tại Tây Nguyên ve sầu có điều kiện bùng phát gây ảnh hưởng trên diện rộng.
Ông Tài cho biết, ve sầu có hàng chục loại, trong đó theo các nghiên cứu thì có khoảng 6 loại gây hại cho cây cà phê là: ve sầu phấn trắng, ve sầu nâu đỏ, ve sầu nhỏ, ve sầu cánh vân, ve sầu lưng vằn và ve sầu macrotristria dorsalis.
Theo ông Tài, ve sầu gây hại cho cây trồng nói chung chủ yếu là giai đoạn ấu trùng. Sau khi trứng nở, ấu trùng sẽ di chuyển xuống đất và đào hang gần gốc cây, rễ cây để làm tổ. Thức ăn của chúng chính là nhựa cây tiết ra từ các vết cắn, vết chích của chúng lên phần rễ cây. Từ các vết thương này, nấm bệnh dễ dàng xâm nhập và tấn công cây trồng.
Ngoài ra trong quá trình chích hút nhựa và di chuyển trong lòng đất, ấu trùng ve sầu còn làm cho các rễ tơ, rễ cám bị đứt ngang, cây khó hấp thu chất dinh dưỡng và nước.
Việc này khiến cho cây cà phê nói riêng và cây trồng nói chung bị vàng úa, giảm năng suất. Đặc biệt đối với cây cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản khi bị ve sầu gây hại, tình trạng có thể trở nên trầm trọng. Nếu không xử lý kịp thời, cây cà phê có thể suy kiệt và chết.
Để phòng trừ ve sầu, bên cạnh các biện pháp hóa học (dùng thuốc trừ sâu, thuốc đặc trị) bà con cần chú ý quá trình canh tác. Quá trình chăm sóc cây cà phê, bà con cần cân đối việc bón phân giúp cho bộ rễ cây khỏe, hạn chế được sự tác động của ve sầu.
Khi thấy xuất hiện các ấu trùng trong đất, bà con cần có biện pháp xử lý triệt để. Khi thu hoạch cà phê xong, bà con cần dọn dẹp để vườn thông thoáng tạo bất lợi cho ve sầu phát triển.
Ngoài ra, bà con cũng có thể tham khảo lựa chọn các loại giống cà phê mới có khả năng chống chịu sâu bệnh và có năng suất cao. Quá trình canh tác, bà con nên hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể làm chết các loại thiên địch của ve sầu như ong, kiến, bọ rùa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.