Theo The Hill, sự hung hăng không được kiểm soát chỉ làm nảy sinh thêm sự hung hăng và việc không phản ứng cũng có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm hơn.
Vào thứ Bảy 12/2, trong một điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh báo rằng, Mỹ và các đồng minh sẽ “đáp trả một cách dứt khoát và áp đặt những đòn trừng phạt nhanh chóng, nghiêm trọng vào Nga” nếu Moscow tấn công Ukraine.
Mỹ đã nhiều lần chỉ ra rằng, họ có nhiều lựa chọn để đáp trả hành động xâm lược ngày càng tăng của Nga đối với Ukraine, bao gồm loại Nga khỏi mạng lưới ngân hàng SWIFT, hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại Nga cũng như trừng phạt Tổng thống Putin và những người thân cận của nhà lãnh đạo Nga. Hiện có vẻ như các quan chức Mỹ và châu Âu đang chuẩn bị nhắm vào các ngân hàng Nga như VTB và Sberbank vốn được Moscow hậu thuẫn cũng như các lĩnh vực công nghệ và quốc phòng và các nhà tài phiệt của nước này.
Và cuộc điện đàm đã kết thúc ở đó, mà không có cuộc thảo luận tiếp theo nào về việc liệu Nga sẽ đáp trả Mỹ như thế nào.
Theo The Hill, có thể chắc chắn rằng Nga sẽ đáp trả bất kỳ phản ứng nào của phương Tây một khi họ bị trừng phạt vì tấn công Ukraine. Việc đáp trả ở mức nào có thể phụ thuộc vào những gì phương Tây làm. Ở đây, việc trừng phạt lẫn nhau có khả năng dẫn đến những hậu quả khôn lường và chắc chắn đẩy xung đột ngày càng leo thang.
Nga có một số lựa chọn tiềm năng để đáp trả phương Tây - điều mà các nhà hoạch định phương Tây rất nên cân nhắc.
Về mặt kinh tế, tất nhiên, Moscow có khả năng ngừng vận chuyển dầu và khí đốt cho châu Âu - nhưng đây là một vũ khí không đáng kể mà Moscow đã từng sử dụng trong quá khứ để tác động đến hành vi của các quốc gia. Lý do là vì nền kinh tế Nga cũng phần lớn dựa vào việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.
Nga có đáp trả bằng cách tiến hành các cuộc tấn công mạng không? Hãy tưởng tượng về một cuộc tấn công kiểu NotPetya vào Mỹ, trong đó các mạng máy tính của ngành tài chính và năng lượng, cùng với các doanh nghiệp thông thường bị xóa sổ. Theo The Hill, thực tế, Nga hiện bị cáo buộc đã tham gia vào một chiến dịch mạng tích cực chống lại cả Ukraine và Mỹ dù đến nay phương Tây vẫn tránh được một cuộc chiến toàn diện trong không gian mạng. Do vậy, Moscow được cho là sẽ tiếp tục nỗ lực này bất kể kết quả của cuộc khủng hoảng hiện tại.
Nga sẽ gia tăng chiến dịch chiến tranh chính trị? Đây cũng là một khả năng có thể xảy ra, theo The Hill.
Theo đó, Moscow có thể gia tăng nỗ lực để làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ hiện có ở các nước châu Âu và ở Mỹ thông qua các chiến dịch thao túng trực tuyến và hơn thế nữa. Thật vậy, Moscow đã chứng tỏ khả năng đáng kể của họ trong việc can thiệp vào các cuộc bầu cử, bằng cách thâm nhập danh sách cử tri và đánh cắp dữ liệu bầu cử trong quá khứ.
Liệu Nga có mạo hiểm làm một điều gì đó khiêu khích hơn? Chẳng hạn như tìm cách gia tăng sức ép ở những nơi khác?Liệu Moscow có cân nhắc việc đổ bộ và chiếm lấy đảo Gotland từ Thụy Điển? Liệu Moscow có tìm cách khơi dậy một cuộc khủng hoảng ở một quốc gia có đông dân số là người dân tộc Nga, như Estonia?
Hiện tại, không ai biết ý định của Tổng thống Putin là gì, không ai biết Moscow sẽ làm gì và do đó, cũng chưa biết phương Tây sẽ phản ứng như thế nào.
Tuy nhiên, theo The Hill, trong mọi cuộc khủng hoảng, điều quan trọng là phải suy nghĩ thấu đáo những gì có thể xảy ra và những gì sẽ xảy ra tiếp theo để lập kế hoạch cũng như chuẩn bị để đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.