Dân Việt

Loài mực nào làm mực một nắng ngon nhất, vì sao mực một nắng được dân xem là đặc sản, bán đắt hàng?

Tú Linh 16/02/2022 06:00 GMT+7
Với nghề chế biến hải sản khô, nhất là mực một nắng, mỗi năm cơ sở hấp sấy Thúy Lai của ông Dương Thế Lai ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương với nghề chế biển hải sản khô, trong đó có mực một nắng.

Loài mực nào làm mực một nắng ngon nhất, vì sao mực một nắng được dân xem là hàng đặc sản, bán đắt hàng? - Ảnh 1.

Ông Dương Thế Lai, thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) giới thiệu sản phẩm mực một nắng được đóng gói hút chân không vừa chế biến xong - Ảnh: TÚ LINH

Những ngày cận tết Nguyên đán, cơ sở chế biến hải sản của ông Lai tấp nập người ra vào sản xuất, mua bán sản phẩm. 

Hôm chúng tôi đến, ông đang chuẩn bị sản phẩm mực một nắng bán cho khách hàng ở Huế. Mực một nắng do cơ sở ông chế biến chất lượng luôn đảm bảo nên được nhiều khách hàng tin tưởng.

Sinh ra tại làng biển, từ nhỏ ông Lai đã gắn liền với con mực, con cá nên ông có tay nghề làm mực một nắng nổi tiếng từ rất sớm. Thời còn thanh niên, ông Lai hợp tác với một số nhà máy chế biến thủy sản trong khu vực sản xuất mực một nắng xuất khẩu qua Nhật Bản. 

Nhận thấy nghề này ở quê chưa có người nào làm, sản phẩm lại được khách hàng ưa chuộng nên sau một thời gian liên kết cung cấp sản phẩm mực một nắng cho các đối tác theo hợp đồng, ông Lai tự đầu tư cơ sở chế biến hải sản rồi làm mực một nắng, mực khô, cá khô để cung cấp trực tiếp cho các đầu mối chuyên bán hàng hải sản trong, ngoài tỉnh.

Tính ra, ông Lai mở cơ sở chế biến hải sản khô cũng hơn chục năm nay. Mới đầu việc chế biến ở quy mô nhỏ lẻ, vốn ít nên mỗi ngày ông chỉ thu mua và chế biến vài tạ mực tươi, chủ yếu lấy công làm lãi. 

Thời điểm ấy, việc chế biến hải sản khô phụ thuộc thời tiết, ông chỉ làm được khi trời nắng nên hiệu quả kinh tế bấp bênh. Trăn trở với nghề, năm 2016 ông Lai nghiên cứu và quyết định đầu tư máy móc đồng bộ để chủ động trong công việc. 

Từ đó, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ nhiều hơn. Ông Lai cho biết, biển có nhiều loại mực, như: mực lao, mực xà, mực lá, mực ống, mực cơm, mực trùm… nhưng để làm mực một nắng thì mực ống cho chất lượng sản phẩm ngon nhất. 

Làm mực một nắng cũng rất công phu. Trung bình mỗi mẻ sấy 3,5 tạ mực tươi sẽ cho 1 tạ mực thành phẩm. Mực ống tươi, chưa cấp đông được mua về phân thành 5 cỡ, từ mực 5 - 6 con/kg đến loại 40 con/kg.

Để chế biến mực một nắng, mực tươi nguyên liệu mua từ tàu về mỗi ngày được rửa sạch, lột da, đưa lên giá phơi. Nếu thời tiết mùa hè, thời gian phơi mỗi mẻ mực từ 7 đến 8 giờ đồng hồ; mùa đông phơi trong nhà thời gian phơi dài hơn, từ 13 đến 14 giờ đồng hồ. 

Sau đó, phải sấy khô mực thêm bằng quạt than và quạt điện đến khi mực có độ ẩm đạt 20% thì mẻ mực một nắng mới đạt chuẩn. 

Hiện sản phẩm mực một nắng được ông Lai bán ra thị trường với giá từ 800.000 đến 1.300.000 đồng/kg. Mực một nắng ngày càng được ưa chuộng, ông Lai đầu tư thêm kho và tủ đông chuyên dụng, quạt điện, giàn phơi mực, lò sấy để mùa nào cũng có thể chế biến sản phẩm phục vụ khách hàng.

Với lợi thế nguồn hải sản dồi dào của vùng biển Quảng Trị, ngoài mực tươi thu mua từ ngư dân địa phương, ông Lai còn mua thêm từ các tàu khai thác của ngư dân Quảng Bình, Thừa Thiên Huế với sản phẩm tươi ngon, giá gốc nên sản phẩm mực một nắng do cơ sở ông chế biến luôn có chất lượng tốt, giá cả hợp lý. 

Mỗi mùa, cơ sở của ông Lai chế biến hàng chục tấn hàng tươi. Tiếng lành đồn xa nên bạn hàng tìm đến cơ sở của ông ngày càng nhiều. Hiện tại sản phẩm mực một nắng của ông Lai sản xuất không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn được bán cho người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada…

Ông Lai chia sẻ, bây giờ việc mua bán hải sản khô, trong đó có mực một nắng qua mạng cũng thuận lợi nên mỗi khi có nhu cầu mua, khách dù ở xa đến đâu, chúng tôi đóng gói cẩn thận, hút chân không và có dịch vụ chuyển đến tận tay người tiêu dùng. 

Nhờ luôn chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, nên cơ sở chế biến ngày càng được mở rộng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, với mức tiền công bình quân hơn 200 nghìn đồng/ngày.

Chủ tịch UBND xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)-ông Lê Ánh Hùng cho biết, từ hiệu quả kinh tế của cơ sở chế biến hải sản khô, mực một nắng của ông Lai, địa phương đang khuyến khích người dân mở thêm các cơ sở chế biến hải sản, xem đây là một ngành quan trọng để phát triển kinh tế. 

"Các loại hải sản khô nếu chế biến đúng kỹ thuật, có giá trị dinh dưỡng chẳng thua kém hải sản tươi, đồng thời tăng thời gian sử dụng và giá trị kinh tế cho sản phẩm đánh bắt của ngư dân. Phát triển tốt nghề này còn giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động của địa phương...", ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).