Làng giáo viên độc đáo ở tỉnh Quảng Trị - "dù có nghèo cũng cho thằng Tèo đi học"

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 12/12/2021 06:24 AM (GMT+7)
Ngôi làng này hiện có hơn 500 giáo viên giảng dạy ở mọi miền đất nước, trong đó nhà ít thì 1 người, nhà nhiều có 8 đến 9 người cùng làm nghề “gõ đầu trẻ”. Nghề giáo và niềm đam mê tri thức là truyền thống, nét đẹp hàng trăm năm nay được dân làng gìn giữ, phát huy.
Bình luận 0

Chúng tôi đang nói đến làng Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Clip: Làng Nại Cửu được gọi là làng giáo viên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Clip: Ngọc Vũ.

Truyền thống nghề giáo của làng Nại Cửu

Một chiều đầu tháng 12, chúng tôi có mặt tại làng Nại Cửu nằm ven sông Vĩnh Định – con sông đào, được khơi dòng, nạo vét dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị.

Làng giáo viên ở Quảng Trị - Ảnh 1.

Làng Nại Cửu nằm bên sông Vĩnh Định thơ mộng, bình yên với nếp nhà ba gian truyền thống, giản dị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Nét độc đáo của ngôi làng này là hầu hết nhà ở đây đều lưu giữ nét kiến trúc ba gian bình dị, vườn tược xanh tốt. Ngôi làng nằm bên sông nên khung cảnh càng thêm thơ mộng, yên bình. Đặc biệt, nếu đứng trên cầu nhìn dòng sông lấp lánh ánh bạc lúc chiều tà, con người ta sẽ có nhiều cảm xúc.

Ghé vào nhà ông Trần Thiện (81 tuổi) và bà Hoàng Thị Lập (79 tuổi, trú đội 4), chúng tôi được biết, ông bà có 5 người con (3 gái, 2 trai) thì có đến 4 người theo nghiệp "phấn trắng, bảng đen". Không những vậy, 2 con rể và 1 con dâu của ông bà cũng là giáo viên. Vậy là tổng số có đến 7 giáo viên trong nhà.

Ông Thiện nở nụ cười tươi, đôi mắt híp lại rồi cho biết, làng Nại Cửu đất chật người đông. Thời chiến tranh, việc học khó khăn, lại thiếu cái ăn nên vợ chồng ông bà bị "lỡ hẹn", chỉ mới xong cấp tiểu học.

"Hồi đó học dưới hầm, học ở đình làng… đủ mọi nơi vì không có trường lớp. Đi học thì băng giữa đồng, đói ăn, khổ trăm bề" – ông Thiện kể.

Sau khi đất nước thống nhất, dù cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn nhưng việc học được chăm chút hơn.

Làng giáo viên ở Quảng Trị - Ảnh 2.

Ông Trần Thiện rất vui và tự hào khi con mình làm nghề giáo viên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Thiện nói với các con rằng, mỗi nhà chỉ có vài trăm mét vuông ruộng lúa, nếu không học sẽ khổ mãi. Học là cách duy nhất để thoát nghèo. Không chỉ ông Thiện, người Nại Cửu ai cũng xác định rạch ròi như vậy.

Anh Trần Hữu Lợi (SN 1973, giáo viên Trường THCS Triệu Long, con trai ông Thiện) tâm sự, nghe lời dạy của cha mẹ, từ nhỏ anh luôn tự hứa với bản thân dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng học thật giỏi, lớn lên làm giáo viên.

Vợ anh Lợi là cô giáo Lê Thị Thu Vân (SN 1983, giáo viên môn Toán, Trường THCS Triệu Thành) cho hay, thời niên thiếu, thấy trong làng có nhiều giáo viên, được mọi người nể trọng nên chị cũng đeo đuổi ước mơ trở thành nhà giáo. Không chỉ chị Vân, nghề giáo viên như mạch máu chảy trong huyết quản con em làng Nại Cửu.

Ấy thế mà nhà chị Vân có 4 chị em thì có đến 3 người theo nghề nhà giáo, em rể cũng là giáo viên.

Làng giáo viên ở Quảng Trị - Ảnh 3.

Việc học ở làng Nại Cửu được chú trọng từ nhiều đời nay. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Nói thật, mình theo nghề giáo có 2 lý do. Đầu tiên là theo truyền thống của làng, thấy các anh chị trong làng làm giáo viên thì mình cũng đi theo, vì trong tâm thức đã thích từ nhỏ. Như kiểu cái gì từ bé mình đã được tiếp xúc, thân quen thì sẽ đi vào tiềm thức. Lý do thứ 2 là ngành sư phạm được miễn học phí, đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Học xong được đi dạy, đó là niềm hạnh phúc" – cô Vân tâm sự.

Theo cô Vân, làm nghề giáo viên rất khó. Cứ suy từ cuộc sống mỗi gia đình, hiện nay cha mẹ dạy dỗ 1 đến 2, nhiều thì 5 đứa con đã khó, bởi mỗi người 1 tính cách. Trong khi đó, giáo viên đứng lớp, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, phải quản lý, dạy dỗ hàng chục, hàng trăm học sinh. 

Bởi vậy, trước tiên giáo viên phải yêu nghề, thứ nữa là phải sâu sát, hiểu được tính cách, tâm lý học sinh để có cách dạy dỗ phù hợp. Tất cả hành động của học sinh đều có lý do. Khi giáo viên hiểu, cũng như bác sĩ tìm ra bệnh thì sẽ chữa được bệnh.

"Dù có nghèo cũng cho thằng Tèo đi học"

Ở Nại Cửu, gia đình thầy Hoàng Văn Hậu (75 tuổi) và vợ Trần Thị Sự (73 tuổi) được mọi người kính trọng. Thầy Hậu đã có mấy chục năm là giáo viên và quản lý trong ngành giáo dục. Ấy vậy, ngôi nhà của thầy Hậu vẫn là kiến trúc ba gian được xây dựng từ rất lâu, giản dị, đơn sơ.

Làng giáo viên ở Quảng Trị - Ảnh 4.

Thầy Hoàng Văn Hậu chỉ dạy cho cháu trai 5 tuổi của mình học tập. Ảnh: Ngọc Vũ.

Vợ chồng thầy có 5 người con thì có 3 người nối nghiệp nhà giáo, thêm 1 con rể, 1 con dâu. Cả thảy, nhà thầy Hậu có 6 người làm giáo viên.

Theo thầy Hậu, làng Nại Cửu kinh tế thuộc dạng trung bình nhưng tinh thần hiếu học, khuyến học rất mạnh. Người làng hay nói đùa mà thật rằng: "Dù có nghèo cũng cho thằng tèo đi học". Nhờ vậy, làng có nhiều giáo viên, kỹ sư, bác sĩ.

"Nhà tôi còn ít chứ có nhà 8 đến 9 người theo nghề giáo viên. Nghề giáo thu nhập tuy không cao nhưng là nghề cao quý, giáo viên luôn phải lấy sự tiến bộ của học sinh làm niềm vui cho mình, có như vậy mới dạy tốt, học tốt được" – thầy Hậu chia sẻ.

Có một điểm chung ở Nại Cửu là các bậc phụ huynh, dù con cái có thành công đến đâu, giàu có cỡ nào thì họ luôn sống rất giản dị, đôi khi giản dị đến độ bị "mắng yêu".

Làng giáo viên ở Quảng Trị - Ảnh 5.

Công tác khuyến học của làng Nại Cửu luôn được chú trọng và ngày càng phát huy. Ảnh: Ngọc Vũ.

Như vợ chồng ông Võ Liễu và bà Hoàng Thị Đông (cùng 76 tuổi, trú đội 7). Lúc Bí thư chi bộ làng Nại Cửu Trần Nhân Sinh dẫn chúng tôi đến thăm nhà, ông Liễu, bà Đông đang chẻ tre để rào vườn. Đôi vợ chồng già nói cười vui vẻ và cho biết, có 4 người con đều theo nghề giáo, trong đó 2 người là tiến sĩ (1 người đang giảng dạy ở Mỹ).

Ông Sinh cho biết, con cái có công việc, thu nhập khá nhưng vợ chồng ông Liễu, bà Đông vẫn sống giản dị, mà đôi khi còn "thích khổ" chứ không thích sướng.

Nghe ông Sinh nói vậy, đôi vợ chồng già nói rằng, ngày xưa họ phải lam lũ nuôi con ăn học, nên cuộc sống đã quen với làm nông, ăn mặc đẹp, chải chuốt không quen.

"Con cái mua áo quần mới, đồ dùng mới, nhiều thứ lắm nhưng vợ chồng tôi quen dùng đồ cũ rồi. Làm nông, mặc đồ mới không giặt nỗi đâu" – nói rồi bà Đông khoe chiếc áo của hàng xóm cho đã nhiều năm và bảo "mặc vẫn còn tốt lắm, rất thoải mái".

Làng giáo viên ở Quảng Trị - Ảnh 6.

Làng Nại Cửu là điển hình về tinh thần hiếu học, được gọi là làng giáo viên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Trần Nhân Sinh – Bí thư Chi bộ làng Nại Cửu cho biết, truyền thống hiếu học của làng có từ thời nhà Nguyễn. Hiện nay, có hơn 500 người làng Nại Cửu (trong đó hiện đang sống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khoảng 250 người) làm giáo viên, giảng dạy khắp mọi miền đất nước. Không chỉ có hàng trăm giáo viên, Nại Cửu còn có nhiều bác sĩ, kỹ sư công tác ở nhiều tỉnh thành.

Theo ông Sinh, làng Nại Cửu có câu lạc bộ nhà giáo. Hàng năm vào dịp 20/11, câu lạc bộ sẽ tổ chức gặp mặt con em dâu rể tại đình làng để tôn vinh các nhà giáo và người thành đạt. Trong đình làng, ngoài thờ các vị khai khẩn, tiền khai khẩn…, còn thờ các bậc tiền nhân đỗ đạt.

Từ xa xưa, người làng trích một phần sản lượng lúa, gạo để phát thưởng cho con em đỗ đạt. Ngày nay, làng Nại Cửu lập quỹ khen thưởng khuyến học Võ Tử Văn (đây là vị tiền nhân đã thắp lửa truyền thống hiếu học làng Nại Cửu. Ông từng đỗ Phó bảng dưới thời nhà Nguyễn). 

Hàng năm vào ngày mồng 6 Tết, làng tổ chức lễ Xuân thủ, đồng thời phát thưởng, tôn vinh những em học sinh đỗ đạt cao. Mỗi năm, làng Nại Cửu có khoảng 60-70 học sinh đỗ các trường Đại học, cao đẳng, có năm 100 em.

"Người trong làng luôn tự hào về truyền thống hiếu học, đặc biệt là vì có nhiều người đỗ đạt, làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… Công tác khuyến học của làng ngày càng được đẩy mạnh, đó là sự động viên rất lớn cho các thế hệ con cháu tiếp bước truyền thống hiếu học, vươn lên học giỏi, có tiền đồ về sau. Đặc biệt, thời đại 4.0, làng quê hội nhập đô thị, vươn ra thế giới bằng công nghệ số thì kiến thức ngày càng quan trọng " – ông Sinh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem