Buồn bã, thất vọng, lo lắng… là tâm trạng chung của nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên sông Đuống, đoạn chảy qua xã Song Giang, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Nguyên nhân là bởi hiện nay giá nhiều giống cá nuôi bán ra ở mức thấp, người nuôi cá khó có được tiền lời.
Gia đình ông Trần Quý Chiến ở xã Song Giang thả nuôi 30 lồng cá, trong đó có 5 lồng nuôi theo hướng VietGAP. Các loại cá được ông thả nuôi chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ông Chiến xuất bán được 10 lồng cá, nhưng khi trò chuyện với tôi người đàn ông hơn 60 này buồn bã và có chút hơi "khó tính". Bên dưới, hàng nghìn con cá diêu hồng vẫn đang nhô đầu lên mặt nước, há miệng chờ người chủ của chúng cho ăn. Đây là lứa cá mới được ông Chiến thả nuôi.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Chiến bảo: "Từ giữa năm ngoái tới nay, giá cá thấp nên người nuôi cá thua lỗ nhiều. Trước Tết Nguyên đán, giá cá lăng bán chỉ được 50.000 đồng/kg, giá cá diêu hồng 37.000 - 38.000 đồng/kg. Trong khi so với cùng kỳ các năm trước, giá cá lăng lên tới 65.000 - 75.000/kg và cá diêu hồng 45.000 - 50.000/kg".
Một khó khăn nữa mà ông Chiến cho biết, đó là năm nay mùa đông kéo dài, nhiệt độ giảm sâu cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá. Cá chậm lớn và trên một số lồng nuôi cá có biểu hiện cá chết rải rác.
“Thông thường, mỗi ngày 1 lồng cá tiêu thụ hết 1 bao cám, tuy nhiên từ khi thời tiết chuyển rét đậm, nhiệt độ giảm sâu nên 1 bao cám ăn cả tuần không hết”, ông Chiến cho biết.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, anh Trần Quý Linh ở xã Song Giang thả nuôi 14 lồng cá lăng và diêu hồng cho hay, nếu như thời điểm cuối năm 2020, cá sắp đến ngày xuất bán thì thương lái nhiều nơi nườm nượp tìm đến đặt giá hỏi mua, thì cuối năm 2021 vắng bóng thương lái, giục mãi họ mới xuống bắt cho. Điều này đồng nghĩa với việc người nuôi cá chấp nhận bán với giá thấp, thậm chí thua lỗ.
Theo anh Linh, nhiều năm qua ở khúc sông Đuống chảy qua xã Song Giang này, nhờ nghề nuôi cá lồng nên một số hộ khấm khá thấy rõ. Nhưng từ giữa năm 2021 tới nay, giá cả biến động bất thường, người nuôi cá trở tay không kịp. Giá cá thấp hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với các năm trước, chưa kể đến nhiều chi phí phát sinh khác.
Dẫn tôi đi một vòng các lồng đang nuôi cá lăng và cá diêu hồng, anh Đỗ Văn Hùng ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài thở dài, nói: “Từ lâu, nghề nuôi cá đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây. Nhờ nuôi cá mà nhiều gia đình phát triển kinh tế, khấm khá. Với tình hình giá cá lồng xuống thấp như hiện nay, chúng tôi đứng ngồi không yên”.
Điều nghịch lý hơn là cho dù giá lồng đang ở mức thấp, các nhà hàng, quán ăn được mở cửa trở lại nhưng các tiểu thương vẫn chỉ thu mua cầm chừng với số lượng rất hạn chế.
Anh Hùng cho rằng, những năm trước giá cám còn ở mức trung bình thì có thể bù qua, kéo lại mặc dù người nuôi cá không được lời nhiều. Còn nếu giá cá lăng, cá diêu hồng bán ra như hiện nay thì so với giá thành sản xuất thì người nuôi chắc chắn bị lỗ.
Tôi hỏi anh Hùng, nếu lỗ vì sao vẫn vào lứa cá mới thì anh bảo: "Chẳng nhẽ đầu tư hàng trăm triệu đồng bây giờ lại treo lồng? Đâm lao thì phải theo lao, đành đánh liều thôi. Hi vọng với tình hình kiểm soát dần dịch Covid-19 như hiện nay thì đến giữa năm, giá cá sẽ nhích dần trở lại".
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh, hiện nay toàn tỉnh đang có khoảng 200 hộ nuôi cá lồng trên sông với số lượng lồng nuôi lên đến gần 2.300 lồng. Sản lượng cá nuôi đạt trên 6.230 tấn, giá trị kinh tế ước đạt gần 350 tỷ đồng.
Nghề nuôi cá lồng trên sông tập trung tại các huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Yên Phong... Cá lồng được nuôi chủ yếu trên hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu, với các loại cá có giá trị như: Cá tầm, lăng đen, lăng chấm, lăng hồng, trắm cỏ, diêu hồng, ngạnh sông, chép, rô phi đơn tính...