Do không khí lạnh tiếp tục tăng cường, rét hại bao trùm miền Bắc, nhiệt độ giảm sâu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.
Theo báo cáo của 11 tỉnh ở khu vực phía Bắc, tính đến 18 giờ ngày 21/2, rét đậm rét hại đã làm 1.010 con gia súc bị chết (trong đó có 881 con trâu, bò; 129 con dê và gia súc khác).
Sơn La là tỉnh có số lượng vật nuôi chết do giá rét lớn nhất, lên đến 393 con; tiếp đến là Lạng Sơn 145 con; Cao Bằng 97 con; Lào Cai 47 con; Điện Biên 44 con, Bắc Kạn 58 con...
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, nếu như năm 2007 - 2008, rét đậm rét hại 34 ngày làm chết 200.000 con gia súc; năm 2011 - 2012 cũng bị thiệt hại trên 100.000 con do rét hại thì những năm gần đây, thiệt hại đã giảm đáng kể.
"Rút kinh nghiệm, Bộ NNPTNT luôn có chỉ đạo từ rất sớm, ngày 4/12/2021 Bộ đã tổ chức hội nghị về phòng chống dịch bệnh động vật trong mùa đông, đề nghị các địa phương chỉ đạo, kiểm tra sớm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nên thiệt hại đã giảm đáng kể" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, giá trị của con đại gia súc rất lớn, do vậy các địa phương phải vận động, hỗ trợ người dân thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ, hiện nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng một số loại vaccine còn thấp.
"Vào mùa đông, chế độ dinh dưỡng cho đàn gia súc rất quan trọng, trong khi năng suất thức ăn xanh giảm thì bà con phải chủ động tích trữ rơm rạ, bổ sung thức ăn tinh để đảm bảo không con gia súc nào bị đói" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT khuyến cáo bà con phải lưu ý đến nền chuồng, phải đảm bảo khô ráo, không làm ảnh hưởng đến bộ móng của con gia súc vì rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Trước tình hình rét đậm rét hại kéo dài, để bảo vệ đàn gia súc của người dân, ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã có công điện khẩn số 1039/CĐ-BNN-CN đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên chỉ đạo Sở NNPTNT và các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Cử ngay các đoàn công tác đến các huyện, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.
Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc.
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân.
Chủ động ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách.