Dân Việt

Đào ao trong vườn nuôi loài cá ham ăn chuối chín, rau cải vụn, một ông nông dân Hậu Giang bắt bán 10 tấn/vụ

Trần Hoàng Vũ 25/02/2022 05:30 GMT+7
Với 4.000 m2 diện tích đất sản xuất ông Nguyễn Bình Đẳng ở ấp Thạnh Mỹ, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) thu về lợi nhuận trên 100 triệu/năm. Nhờ ông thực hiện mô hình kết hợp làm vườn và tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp để nuôi cá.

Với ao cá hơn 1.000 m2 mặt nước, ông Nguyễn Bình Đẳng ở ấp Thạnh Mỹ, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) nuôi cá tra.

Đào ao trong vườn nuôi loài cá ham ăn chuối chín, rau cải, một ông nông dân Hậu Giang bắt bán 10 tấn/vụ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bình Đẳng ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bên mô hình ao nuôi cá tra của gia đình.

Thức ăn cho cá tra ông sử dụng là 1 phần thức ăn viên công nghiệp và 1 phần phụ phẩm trong nông nghiệp, phụ phẩm từ trong vườn nhà, rau cải vụn tại các vựa thu mua hàng nông sản.

Sau 6 tháng nuôi cá tra, ông thu hoạch trung bình 1 vụ khoảng 10 tấn cá, với giá cá tra trung bình 22.000đ/kg, ông thu nhập trên 200 triệu, trừ đi chi phí đầu tư cá tra giống, thức ăn ông còn lợi nhuận trên 70 triệu đồng.

Để mặt ao nuôi cá tra được thoáng, không bị rợp bóng nắng nhiều, trên bờ vườn ông trồng chuối và các cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa có sản phẩm để bán vừa tận dụng làm thức ăn cho cá.

Vì trồng chuối không tốn chi phí đầu tư và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình mỗi tháng ông thu 3 – 4 triệu đồng.

Chia sẽ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ông Nguyễn Bình Đẳng cho biết “Hiện nay sản xuất nông nghiệp khó khăn, tốn nhiều chi phí đầu tư, giá sản phẩm bán ra bấp bênh, nếu chỉ chuyên canh trồng chanh như trước kia với diện tích của gia đình thì không mang lại thu nhập ổn định..."

Bởi theo ông Bình Đẳng, làm theo cách cũ, chi phí đầu tư phân bón hiện rất cao giá chanh như hiện tại là không có lời. Nên từ năm 2019 ông thực hiện mô hình nuôi cá tra dưới ao và trên bờ trồng chuối để làm thức ăn cho cá....

Đào ao trong vườn nuôi loài cá ham ăn chuối chín, rau cải, một ông nông dân Hậu Giang bắt bán 10 tấn/vụ - Ảnh 3.

Trồng xen tre thái ăn măng trên vườn của hộ ông Nguyễn Bình Đẳng, ấp Thạnh Mỹ, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang).

Ao ông Nguyễn Bình Đẳng thả nuôi cá tra, trên bờ vườn ông chọn cây chuối để trồng, vì sản phẩm trái chuối chín hoặc chuối dạt ông tận dụng làm thức ăn cho cá tra, và gia đình ông đi lấy các sản phẩm vụn rau cải ở các vựa thu mua rau cải về cho ăn phụ thêm.

Bằng cách này, nuôi cá tra ông Bình Đẳng hạn chế đầu tư thức ăn công nghiệp, để giảm chi phí. Với lại cây chuối ông thấy ít công chăm sóc và không tốn phân thuốc cung cấp cho cây, nên an toàn với con cá tra.

"Qua một vụ nuôi cá tra bằng cách đó, tôi thấy mô hình cho lợi nhuận rất cao, dù thị trường giá cá tra có rớt thấp gia đình tôi vẫn có lời vì chi phí đầu tư thấp”, ông Nguyễn Bình Đẳng hé lộ.

Qua tìm hiểu hiện nay ông Bình Đẳng đã trồng xen vào vườn cây măng tre Thái để nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình.

Ông cho biết thêm: “Vườn trồng chuối thấy đất còn trống nhiều tiếc, qua tìm hiểu và tham dự các buổi tập huấn, hội thảo do Tổ kỹ thuật nông nghiệp tổ chức, tôi chọn cây măng tre để trồng xen vào vườn. Cây tre Thái tôi thấy ít người trồng, không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc trừ sâu. Cây tre Thái phát triển tốt cho thu hoạch quanh năm....".

Theo ông Bình Đẳng, trồng tre Thái 1 lần là thu hoạch hoài, tính ra cho lợi nhuận rất cao. Sau 1 năm trồng tre Thái, gia đình ông đã có thu hoạch măng tre.

Đến nay ông thu được hơn 500kg măng tre với giá bán 30.000đ/kg, cho gia đình ông thu nhập khoảng 15 triệu đồng.

Nhờ kết hợp trồng trọt, nuôi cá tra và tận dụng các phụ phế phẩm trong nông nghiệp hỗ trợ cho nhau, năm qua mô hình của ông Đẳng đã cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. 

Thành công từ mô hình kết hợp của gia đình ông Bình Đẳng không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.