Hậu Giang: "Vương quốc" của loại lá có vị cay nồng, càng ăn càng say, ăn hoài không no

Thứ ba, ngày 09/03/2021 13:30 PM (GMT+7)
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”- câu chuyện ấy giờ đây không dừng lại ở việc tiếp đãi khách hay xe duyên đôi lứa mà còn là sinh kế của nhiều hộ gia đình tại xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy- Hậu Giang).
Bình luận 0

Với bà con nơi đây, trồng trầu không chỉ tạo thu nhập ổn định cuộc sống mà còn lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Trầu có vị cay là một. Cau có vị ngọt là hai. Vôi có vị nồng là ba. Vỏ có vị chát là bốn. Thuốc lá có vị đắng là năm. Trầu càng ăn càng say, ăn hoài không no là bởi vì không ai nuốt trầu bao giờ hết“.

Hậu Giang: Có một làng trầu hơn 5 thập kỷ - Ảnh 1.

Giàn trầu của mẹ. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI

Từ “nọc trầu quê” đến làng nghề truyền thống

Nếu không đến xã Vị Thủy, có lẽ ít ai biết ở miền Tây có một vườn trầu vừa được công nhận là làng nghề truyền thống với quy mô hàng chục héc ta.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kính- Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy khẳng định, hơn 50 năm qua, ngoài cây trồng chủ lực là lúa thì người dân địa phương còn sinh sống bằng nghề trồng trầu.

Hiện toàn xã có khoảng trên 200 hộ trồng trầu với tổng diện tích lên đến hơn 32,5ha, tập trung chủ yếu tại Ấp 5- nơi được xem là “cái nôi” của làng nghề.

Hậu Giang: Có một làng trầu hơn 5 thập kỷ - Ảnh 2.

Chị Mai tranh thủ tưới nước vào thời điểm sáng sớm để trầu phát triển tốt hơn.

Từ UBND xã Vị Thủy men theo con đường nhựa dẫn đến Ấp 5, đâu đâu cũng thấy những vườn trầu xanh bát ngát, nối dài từ nhà này sang nhà khác. Hỏi ra chúng tôi mới biết mô hình trồng trầu xứ này được khởi xướng từ bà Phan Thị Năm.

“Ở đây có ai lạ dì Năm nữa, từ trầu mà mần ăn dư dả. Bà con trồng theo thấy hiệu quả nên giờ xóm này đi đâu cũng toàn là trầu. Ai không trồng trầu thì đi lặt lá, cột dây trầu thuê, ngày được 100.000- 120.000đ (bao cơm) cũng sống khỏe”. Nói xong, cô Đỗ Thị Liên (ngụ Ấp 5) chỉ tôi đường đến nhà bà Năm.

Căn nhà tường kiên cố của bà Năm được bao quanh giữa những vườn trầu xanh mướt, trước ngõ là hàng cau chót vót. Tiếp chuyện với tôi, bà Năm vui vẻ cho biết mình ăn cái tết này nữa sẽ tròn 80 tuổi, nhưng tôi thấy bà vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn.

Điều thú vị là được nghe “bà Năm trầu” chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình- cũng như cơ duyên mang “nọc trầu quê” bén rễ trên vùng đất Vị Thủy.

Hậu Giang: Có một làng trầu hơn 5 thập kỷ - Ảnh 3.

Kiếm thêm thu nhập từ việc đi làm thuê tại các vườn trầu, người dân từng bước ổn định cuộc sống và lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Tay thoăn thoắt lặt lá trầu, bà Năm kể: Trước giải phóng, cha bà là ông Phan Văn Diện ghiền ăn trầu. Nhưng thời đó chiến tranh loạn lạc, tìm mua trầu rất khó nên ông ra sau vườn hái lá cách ăn với dừa nước non hoặc trái đủng đỉnh.

“Thấy vậy, tui mới đi mua một nọc trầu rồi về trồng dưới gốc xoài cặp hiên nhà. Không ngờ trầu tốt lá quá ăn không hết nên tui đem đi bán. Thấy có lời, tui trồng thêm rồi chia lại nọc trầu cho bà con cùng trồng. Cũng nhờ trầu mới nuôi nổi 4 đứa con khôn lớn”- bà Năm nhớ lại.

Từ “nọc trầu quê” của bà Năm mà dần dần mô hình trồng trầu mở rộng diện tích đến cả các địa phương lân cận.

Cây trầu được ví von như “cần câu cơm” giúp không ít hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Mai (ngụ xã Vĩnh Thuận Tây- Vị Thủy), trước đây chỉ có 2 công đất để trồng lúa, vụ trúng vụ thất nên dù làm đầu tắt mặt tối vẫn cứ thiếu trước, hụt sau.

Quyết tâm thoát nghèo, chị Mai tận dụng mảnh đất trống quanh nhà cha mẹ để trồng trầu nhằm kiếm thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

“Với 500m2, tôi trồng hơn 600 nọc trầu. Mỗi tháng hái bán khoảng 1.500 ốp (40 lá/ốp) với giá từ 2.500- 6.000 đ/ốp thì lo tiền chợ búa, đám tiệc và mấy nhỏ ăn học khỏe re. Còn tiền mần ruộng chắc ăn là dư”- chị Mai phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Văn Đời (Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng tại Ấp 5), cây trầu dễ trồng, sinh trưởng nhanh, nhẹ công chăm sóc và chỉ chuộng phân hữu cơ nên hoàn toàn không sử dụng phân thuốc hóa học. Đặc biệt, trồng trầu có thể hái lá quanh năm nên cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Giữ mãi nét quê xưa

Mô hình trồng trầu không chỉ được nhân rộng tại xã Vị Thủy mà còn lan ra các địa phương lân cận. Theo các thương lái, trầu Vị Thủy nức tiếng gần xa vì có vị cay nồng đặc trưng. Vì vậy, lá trầu vùng này ngoài cung ứng cho thị trường nội địa còn xuất ngoại sang Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia,…

Hậu Giang: Có một làng trầu hơn 5 thập kỷ - Ảnh 4.

Trầu sau khi hái xuống được xấp thành ốp, mỗi ốp trầu có 40 lá.

Gần 10 năm trồng trầu, anh Châu Minh Trí (ngụ xã Vĩnh Thuận Tây- Vị Thủy) kể: “Cứ cận tết là trầu hút hàng, được giá nên ai đi chơi thì đi chứ tụi tui ba ngày tết đều phải hái trầu. Có bữa làm tới chiều tối chưa xong”.

Tuy thị trường trầu miền Tây có phần trầm lắng từ khi dịch COVID-19 bùng phát nhưng người dân Vị Thủy vẫn chăm chút vườn trầu của mình và chờ ngày khởi sắc trở lại.

“Trước đây, bà con tập trung hái trầu khoảng 2- 3 lần trong tháng, nhưng từ lúc dịch bệnh thương lái mua trầu ít lại nên phải thu hoạch theo kiểu xoay vòng từng hộ. Hy vọng tết này sẽ được giá như năm ngoái”- vừa hái trầu, cô Nguyễn Thị Cẩm Hồng (Ấp 5) cho biết.

Hậu Giang: Có một làng trầu hơn 5 thập kỷ - Ảnh 5.

Từ một nọc trầu, bà Năm đã làm nên vườn trầu mướt màu xanh kỷ niệm.

Về góc độ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Kính khẳng định: “Để tạo đầu ra ổn định cũng như mở hướng phát triển mới cho cây trầu, chúng tôi dự định liên kết với những doanh nghiệp có mong muốn hợp tác với làng nghề để sản xuất các sản phẩm dược liệu từ lá trầu. Việc làng trầu vừa được công nhận làng nghề truyền thống là một thuận lợi để thực hiện điều này”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, làng trầu Vị Thủy không chỉ là làng nghề truyền thống, giúp người dân thoát nghèo mà còn là điểm nhấn độc đáo về bức tranh nông thôn ở địa phương.

“Chúng tôi dự kiến sẽ phát triển làng trầu Vị Thủy thành điểm du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị kinh tế và gìn giữ nét đẹp mộc mạc của lá trầu quê Việt Nam”- bà Nguyễn Thị Lý- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang- kỳ vọng.

Kỳ vọng của ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng là mong mỏi của bà con ở làng trầu Vị Thủy. Bởi sau hơn 5 thập kỷ, làng trầu không chỉ mang đến lễ vật kết duyên trăm năm cho bao đôi lứa mà còn góp phần ổn định cuộc sống bao gia đình.

Hy vọng rằng, với quyết tâm duy trì làng nghề người dân Vị Thủy sẽ được hưởng những thành quả mới mà họ đã cất công vun trồng trong nửa thế kỷ qua.

PHẠM PHONG (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem