Dân Việt

Tiền Giang: Bỏ “hạt ngọc trời”, trồng cây đặc sản cho trái bự chảng, anh nông dân xây biệt phủ vườn

Trần Đáng 26/02/2022 05:35 GMT+7
Bỏ cây lúa, anh Tư Sườn (Trần Văn Sườn, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trồng sapoche (hồng xiêm) và thu lãi tiền tỷ.

Hiện, anh Trần Văn Sườn, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trồng sapoche với 1,5ha.

Trồng sapoche dễ nhưng cực

Theo chân anh Trần Hoàng Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn, chúng tôi tìm đến nhà anh Tư Sườn.

Tiền Giang: Bỏ “hạt ngọc trời”,  trồng đặc sản cho trái bự chảng, anh nông dân xây biệt phủ vườn - Ảnh 1.

Bỏ lúa, anh Tư Sườn (Trần Văn Sườn, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trồng sapoche (hồng xiêm). Ảnh: Trần Đáng

Mùa này, một số nhà vườn trồng sapoche ở Kim Sơn đang bước vào vụ thu hoạch. Đi đâu ở Kim Sơn cũng thấy trái sapoche treo lủng lẳng khắp vườn.

Theo anh Năm, xã Kim Sơn có 780ha trồng sapoche.

Tại Tiền Giang, có một vài nơi trồng sapoche. Nhưng, không nơi nào cho chất lượng trái sapoche tốt hơn ở Kim Sơn. Trái sapoche chín luôn to (3, 4 trái/kg), ngọt, mềm rất đặc trưng.

"Giá sapoche Kim Sơn luôn đắt hơn các nơi khác 3.000-5.000 đồng/kg. Có lẽ do thỗ nhưỡng và nguồn nước ở Kim Sơn phù hợp với cây sapoche nhất", anh Năm chia sẻ. 

Tiền Giang: Bỏ “hạt ngọc trời”,  trồng đặc sản cho trái bự chảng, anh nông dân xây biệt phủ vườn - Ảnh 2.

Anh Trần Hoàng Năm và anh Trần Văn Sườn trao đổi kỹ thuật trồng sapoche. Ảnh: Trần Đáng

Sau một lúc loằng ngoằng trong "thủ phủ sapoche", chúng tôi đứng trước ngôi biệt thự vườn khá rộng.

Chủ nhân ngôi biệt thự vườn 250m2 này, không ai khác là anh Tư Sườn.

Anh Tư Sườn thổ lộ, tiền xây ngôi biệt thự vườn này là thu nhập từ trái sapoche.

Theo anh Tư Sườn, trồng sapoche không khó. Cây sapoche dễ sống, không cần kỹ thuật phức tạp. Đất sau khi lên mô sẽ đưa giống xuống, bón phân, tưới nước là cây sapoche tự ra rễ và phát triển.

Sau 4-5 năm trồng, cây sapoche sẽ cho trái chiến. Và đến năm thứ 10 là giai đoạn cây sapoche cho trái sung nhất.

Tuy nhiên, anh Tư Sườn cũng cho rằng, trồng sapoche cũng rất cực. Nhà vườn gần như không ngơi tay. Chủ vườn phải tỉa ngọn liên tục để cây ra tán cho trái nhiều, liên tục. Cũng như tỉa bớt trái đôi, râu để cây nuôi trái to.

Vườn sapoche của anh chủ yếu dùng phân hữu cơ. Chỉ khi cây nuôi trái anh mới bón sổ sung thêm phân hóa học để thúc trái.

Cây sapoche cho thu hoạch trái quanh năm. Tuy nhiên trong năm, vụ thu hoạch sapoche chính từ tháng 10 âm lịch cho đến tháng tư năm sau.

Clip: Anh Trần Văn Sườn (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ trồng và sơ chế sapoche. Clip: Trần Đáng

"Tôi cũng đã thử làm sapoche nghịch vụ, nhưng không thành công. Cây rụng bông khá nhiều nên đậu trái ít", anh Tư Sườn bộc bạch.

Hiện trong vườn sapoche, anh Tư Sườn đã cho lắp hệ thống tưới tiết kiệm và phun phân thuốc tự động.

Trồng sapoche xây biệt phủ

Theo anh Năm, sapoche cho năng suất 18-20 tấn/ha/năm. Mỗi năm, 1 công đất trồng sapoche cho thu nhập 50-60 chục triệu đồng.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng sapoche, anh Tư Sườn cho biết, giá sapoche khá ổn định trong năm. Có lúc giá sapoche được đẩy lên hơn 30.000 đồng/kg.

Tiền Giang: Bỏ “hạt ngọc trời”,  trồng đặc sản cho trái bự chảng, anh nông dân xây biệt phủ vườn - Ảnh 5.

Trồng sapoche dễ nhưng để có trái thu hoạch là rất cực. Ảnh: Chị Nương (vợ anh Tư Sườn) thu hoạch sapoche. Ảnh: Trần Đáng

Sau Tết, thường giá sapoche sẽ kéo giảm. Hiện giá sapoche tại nhà vườn Tiền Giang được thương lái thu mua 13.000-18.000 đồng/kg (loại nhất).

Theo tính toán của các nhà vườn trồng sapoche, với giá phân thuốc tăng cao như bây giờ, giá sàn của sapoche là 10.000 đồng/kg.

"Trước đây, giá sapoche 5.000-6.000 đồng/kg, nông dân đã có lời tốt. Nhưng giờ giá 12.000-15.000 đồng/kg, nông dân mới sống được", anh Tư Sườn bộc bạch.

Tiền Giang: Bỏ “hạt ngọc trời”,  trồng đặc sản cho trái bự chảng, anh nông dân xây biệt phủ vườn - Ảnh 6.

Sapoche sau khi thu hoạch chủ vườn trồng sapoche trước khi bán phải rửa, chùi trái cho sạch bóng. Ảnh: Trần Đáng

Trái sapoche sau khi thu hoạch, chủ vườn hoặc bán ngay cho thương lái, hoặc tự rửa, chùi rồi ngâm nước hạnh (tắc) để trái sạch, bóng.

"Nước này an toàn, được pha chế từ nước trái hạnh, không dùng hóa chất nên người tiêu dùng an tâm sử dụng", anh Sườn khẳng định.

Cũng theo anh Tư Sườn, trồng sapoche thu nhập cao và khá yên tâm trước cảnh đụng hàng, dội chợ.

"Không như thanh long, sầu riêng, mít Thái… còn sợ Trung Quốc đóng khẩu, trái sapoche không đủ bán ngay thị trường nội địa", anh Tư Sườn cười sung sướng.