Theo như tìm hiểu, thực chất đây là quả của cây nứa (là nhóm các loài tre đặc trưng bởi vách mỏng từ 0,2 đến 0,6 cm, thuộc chi nứa, có tên khoa học là Schizostachyum).
Cây nứa mọc thành từng cụm. Thân cao khoảng 12cm – 15m. Đường kính thân khoảng 10cm, thân có nhiều lóng. Chiều dài mỗi lóng từ 30cm – 90cm. Vách mỏng 0.2cm – 0.6cm.
Mo nứa có lông màu trắng mịn. Mép mo ở trên có lông cao 0.1cm và dày. Bẹ mo có đáy dưới rộng 32-34cm, cao 22-24cm, đáy rộng 7-8cm. Phiên mo mác hẹp, nhọn đầu, rộng 2.2.2.4cm, cao7.5cm – 9cm.
Phía trong có lông mịn, đáy có lông dài cứng. Tai mo thấp, cao 0.2cm, lông thưa dài 1cm. Lưỡi mo cao 0.2cm, có lông cứng dày cao 0.4cm. Lá hình mác, phiến lá dài 10cm – 30 cm và rộng 3-7 cm. Đầu lá nhọn, hơi lệch, gân lá lộ rõ. Mặt dưới lá phủ lông mịn, cuống lá dài 0.2cm – 0.7cm.
Nứa thường mọc hoang trong rừng tự nhiên, thường sống ở độ cao 100m – 700m so với mực nước biển. Trong khoảng 70 loài nứa trên thế giới thì ở nước ta có 3 loại phổ biến nhất là nứa lá to, nứa lá nhỏ và nứa tép.
Loài cây này cũng ra hoa màu vàng nhạt, nhị hoa mang bao phấn thì có màu vàng tươi, chúng mọc thành chùm nhỏ bao hoa không phát triển. Quả của chúng mọc trên những nhánh nhỏ của cây.
Có tin đồn cho rằng, quả của cây nứa trăm năm kết trái một lần, khi ra quả thì đó là điềm báo của hạn hán, đói kém. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Lân Dũng tre hay nứa đều là cây thực vật và việc ra hoa, quả là chuyện bình thường không có gì đặc biệt.
Ông cũng bác bỏ việc cho rằng, tre hay nứa ra quả có thể liên quan đến hạn hán, đói kém.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Sinh, Phó trưởng phòng sinh thái thực vật, Viện sinh thái và tài nguyên môi trường cũng cho rằng, tre hay nứa ra hoa, quả là điều bình thường.
Tuy nhiên, không giống với các cây thực vật khác, tre hay nứa thường có chu kỳ ra quả rất lâu nhưng không đến trăm năm và thường trong một quần thể hẹp.
"Trước đây, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp tre, nứa ra quả nhưng chu kỳ ra quả rất lâu và thường việc ra quả chỉ diễn ra trong một quần thể hẹp, đồng thời, nó báo hiệu cho những cây này đã già, sắp chết", PGS Sinh cho biết thêm.
Cũng theo PGS.TS Sinh, ông chưa bao giờ nghe đến việc có sự liên quan giữa tre, nứa ra quả với hạn hán, đói kém có thể xảy ra.