Việc Lạng Sơn thông báo sẽ kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3 đang khiến giá thanh long ở Bình Thuận giảm sâu do 90% sản lượng thanh long của tỉnh này phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dù đang là vụ nghịch nhưng hiện giá thanh long ở Bình Thuận giảm rất sâu, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất đã xấp xỉ 10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện tại, số lượng thanh long của các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn ở cửa khẩu và các kho lạnh lên đến 30.000 tấn, cần phải tiêu thụ trong vòng 15 ngày.
Bước sang tháng 3/2022, Bình Thuận có thêm khoảng 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long tại Bình Thuận kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tồn đọng hiện nay.
Lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tại các địa phương phía Bắc tạo điều kiện tốt nhất cho các xe hàng chờ thông quan…
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc, mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về thông quan hàng hóa và hợp tác phòng chống dịch tại cửa khẩu giữa Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc) theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị, hai bên đã trao đổi và thống nhất được những nội dung quan trọng về: Hợp tác phòng dịch như việc nghiên cứu xây dựng quy trình xuất khẩu an toàn, phối hợp xây dựng “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu.
Thuận lợi hóa thông quan như tăng lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu, nâng công suất hạ tầng biên giới và đầu tư xây dựng các bãi kiểm dịch để tăng số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu nông sản, xây dựng luồng xanh thông quan cho nông sản, thực hiện thông quan hẹn trước...
Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho việc thông quan như: Xem xét khả năng cho phép cơ quan xét nghiệm bên thứ ba tiến hành xét nghiệm RT-PCR đối với phương tiện vận tải và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
Xem xét công nhận lẫn nhau kết quả xét nghiệm RT-PCR đối với phương tiện vận tải và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
Xây dựng cơ chế phối hợp xây dựng vùng xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu để hoạt động thông quan diễn ra an toàn;
Tiếp tục khôi phục và kéo dài thời gian thông quan tại một số cửa khẩu đường bộ đang bị tạm dừng; Nâng cấp và tăng số lượng cửa khẩu nhập khẩu nông sản, lương thực;
Thúc đẩy doanh nghiệp hai bên tăng cường khai thác tuyến vận tải đường sắt...
Phản hồi những đề nghị của phía Việt Nam tại hội nghị, phía Vân Nam cũng tiếp tục nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phối hợp đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch vì mục tiêu an toàn sức khỏe cho người dân hai nước.
Bên cạnh đó, phía Vân Nam cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với các địa phương Việt Nam như: đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu; áp dụng quy trình quản lý thông minh, tham khảo phương án “mỗi cửa khẩu thành lập một nhóm công tác chuyên môn” của Trung Quốc,...