Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ưa chuộng, sản phẩm thế mạnh Việt Nam lập kỷ lục, 5 hiệp hội bắt tay thu 20 tỷ USD

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 26/02/2022 11:01 AM (GMT+7)
Mặc dù tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua nhiều nhất.
Bình luận 0

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua nhiều, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng ngay trong tháng đầu tiên năm 2022

Mặc dù tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua nhiều nhất.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập đỉnh lịch sử, đạt gần 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đây cũng là lần thứ 3 ghi nhận thế mạnh này của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vượt 1,5 tỷ USD/tháng.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ưa chuộng, sản phẩm thế mạnh Việt Nam lập kỷ lục, 5 hiệp hội bắt tay thu 20 tỷ USD - Ảnh 1.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập đỉnh lịch sử, đạt gần 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Cao Cẩm.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên đến 928 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp đó là thị trường Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu 153 triệu USD; xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Trung Quốc trong tháng 1/2022 đạt 134 triệu USD.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm 2022 và nằm trong top 3 nhóm hàng tăng trưởng ở mức 2 con số.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, mặc dù trong tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh. 

Kinh tế toàn cầu phục hồi, xuất khẩu gỗ sẽ bứt phá

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022 có nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng. 

Đồng thời, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ưa chuộng, sản phẩm thế mạnh Việt Nam lập kỷ lục, 5 hiệp hội bắt tay thu 20 tỷ USD - Ảnh 2.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cùng ký thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: P.V

Để nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, ngày 25/2, lần đầu tiên, 5 hiệp hội lớn nhất ngành gỗ hiện nay gồm: Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cùng ký thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam.

Các Hiệp hội cùng hợp tác phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 18 đến 20 tỷ USD; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

Giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp và hình ảnh, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cùng nhau xây dựng thương hiệu ngành gỗ Việt Nam.

Các Hiệp hội cũng sẽ thúc đẩy hợp tác, liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dựa trên sự liên kết hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong cả nước, vận dụng những thế mạnh của các địa phương đi tiên phong, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định và một số tỉnh thành khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem