Dân Việt

Bắt tôm sông lên bờ còn nhảy tách tách, nghề "kiếm cơm" của nhiều hộ dân bên hồ thủy điện Sêrêpốk ở Đắk Lắk

Đinh Nga 01/03/2022 05:45 GMT+7
Gia đình anh Nguyễn Tý (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cũng bám trụ với nhịp mưu sinh trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 hơn 7 năm qua, dựa vào việc đặt lờ bắt tôm sông, bắt tép.

Một buổi sáng đầu xuân, gian nhà tạm của chị Phạm Thị Nở (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chộn rộn hơn mọi ngày. Gia đình chị vừa bán mảnh đất vườn đã chắt bóp mua được thời gian qua để chuẩn bị xây nhà mới nên làm một bữa tiệc nhỏ thết đãi bà con xóm giềng.

Gần mười ba năm trước, khi hồ thủy điện Sêrêpốk 3 vừa tích nước, gia đình chị bồng bế nhau từ tỉnh An Giang lên đây tìm kế mưu sinh. 

Chị Nở nhớ lại, hồi mới lên khổ lắm, nhà chị mượn được chiếc xuồng của một hộ dân trong vùng, sống dựa vào lượng tôm, cá đánh bắt được trên lòng hồ thủy điện và sông Sêrêpốk. 

Nơi ở của cả nhà chỉ là túp lều dựng tạm ngay trên đường xuống hồ. Không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh, gia đình chị cứ sống tạm bợ như thế nhiều năm.      

Bắt tôm lên bờ còn nhảy tách tách, nghề "kiếm cơm" của nhiều hộ dân bên sông Sêrêpốk ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nguyễn Tý, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) phân loại tôm sông, tép vừa đánh bắt.

Giữa năm 2020, khi địa phương vận động giải tỏa để mở rộng đường xuống làng chài, gia đình chị rất đỗi vui mừng. HTX Nông nghiệp và du lịch Phú Nông - Buôn Đôn cũng đại diện bà con vận động một gia đình gần hồ cho thuê đất làm nhà tạm với giá rẻ. 

Từ đó, những căn nhà tạm bằng gỗ tạp, tôn cũ được bà con làng chài dựng lên. Mọi người cùng nhau khoan giếng, kéo điện, làm nhà vệ sinh riêng biệt, chấm dứt cuộc sống “nhiều không” hàng chục năm qua. 

Nhờ được địa phương quan tâm, hỗ trợ các giấy tờ, thủ tục, ba đứa con nhỏ của vợ chồng chị Nở đều được đến trường. Vợ chồng chị cũng tằn tiện tích lũy, đầu tư thêm lồng bè nuôi cá, mua đất vườn, cuộc sống ngày càng ổn định và tốt hơn trước rất nhiều.

Gia đình anh Nguyễn Tý (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cũng bám trụ với nhịp mưu sinh trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 hơn 7 năm qua, dựa vào việc đặt lờ bắt tôm sông, bắt tép. 

Ngày mới đến, anh chị dựng chòi ngay bờ hồ để làm chỗ tạm nghỉ, chủ yếu thời gian lênh đênh trên thuyền, cuộc sống rất bấp bênh. 

Kể từ khi quy hoạch lại khu vực làng chài, anh chị được thuê đất, dựng nhà tạm. Có điện, có nước sạch, có nhà vệ sinh, cuộc sống của gia đình anh như bước sang trang mới. Mỗi khi giông bão, vợ chồng anh không còn phải nơm nớp lo sợ như khi ở trên chòi, trên thuyền trước kia. Anh chị cũng đón các con lên ở cùng để có thể nuôi nấng tốt hơn.

Bắt tôm lên bờ còn nhảy tách tách, nghề "kiếm cơm" của nhiều hộ dân bên sông Sêrêpốk ở Đắk Lắk - Ảnh 3.

Người dân làng chài dần ổn định cuộc sống sau khi được quy hoạch lại chỗ ở.

Làng chài ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3 hình thành từ khoảng năm 2010, có hơn 20 hộ sinh sống chủ yếu là người dân ở huyện Cư Kuin và các tỉnh miền Tây Nam bộ di cư đến mưu sinh.

Dấu mốc quan trọng đổi thay cuộc sống của bà con làng chài là từ khi được quy hoạch, sắp xếp lại chỗ ở. Từ một khu lều bạt nhếch nhác, lụp xụp, khu nhà ở của bà con đã được bố trí thành một dãy nhà liền kề thẳng hàng, cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp hơn rất nhiều. 

Tuy nhà ở, vật dụng còn đơn sơ nhưng những nhu cầu cơ bản phục vụ đời sống của bà con đã được đáp ứng. Con đường cũ vốn lầy lội, chật hẹp nay được mở rộng lên đến 12 m, san ủi bằng phẳng và đổ đá dăm giúp các loại phương tiện lớn nhỏ vào thu mua cá thuận tiện. 

Bà con cũng được HTX làm cầu nối tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển nghề cá, nâng cao kỹ thuật, vay vốn phục vụ sản xuất. Nhờ chăm chỉ làm lụng, nhiều gia đình đã tích lũy tài sản, mở rộng nuôi cá, trồng cây, nâng cao thu nhập.

Chung cảnh tha hương, người dân nơi đây sống chan hòa, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng bè, bảo vệ môi trường đánh bắt thủy sản. 

Giám đốc HTX Nông nghiệp và du lịch Phú Nông – Buôn Đôn Trần Văn Toàn cho biết, hai năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, người dân làng chài gặp không ít khó khăn khi giá thức ăn cho cá tăng cao, mức tiêu thụ của thị trường giảm sút. 

Dù vậy, người dân vẫn kiên trì bám trụ với nghề cá, chung tay cùng HTX xây dựng nơi đây trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách. Trong năm vừa qua, HTX đã cử 7 thành viên ở làng chài tham gia khóa đào tạo, cấp chứng chỉ lái tàu thuyền phục vụ du lịch. 

HTX cũng thành lập đội cứu nạn cứu hộ, tổ bảo vệ môi trường, từng bước tập huấn, hướng dẫn cho bà con các kỹ năng giao tiếp phục vụ khách du lịch. 

Bước đầu, HTX đã khai thác các dịch vụ trải nghiệm chăm sóc cá lồng bè, câu cá trên sông, cắm trại, đi thuyền khám phá cảnh quan khu vực hồ thủy điện... và được nhiều du khách đánh giá cao. Những nỗ lực này đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt của một vùng nông thôn nhiều tiềm năng về nông nghiệp và du lịch, giúp người dân thêm an tâm sinh sống, phát triển kinh tế.