Dân Việt

Phản đối chiến tranh Nga-Ukraine:Hơn 100 nhà ngoại giao rời phòng họp khi ngoại trưởng Nga phát biểu

Tuấn Anh (Theo Al Zaeera) 02/03/2022 12:41 GMT+7
Hơn 100 nhà ngoại giao từ khoảng 40 quốc gia đã bỏ ra khỏi phòng họp của Liên Hợp Quốc ở Geneva để phản đối chiến tranh Ukraine khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt đầu phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Hơn 100 nhà ngoại giao chủ yếu là của các cơ quan đại diện của Mỹ và châu Âu đã rời bỏ cuộc họp khi Ngoại trưởng Nga phát biểu. Nguồn US Mission  Geneva.

Những nhà ngoại giao này là các phái viên từ Liên minh Châu Âu, Mỹ, Anh, Nhật Bản và nhiều nước khác, chỉ còn lại một số người trong phòng.

Những người còn lại trong cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền bao gồm đại sứ của Nga tại LHQ ở Geneva, Gennady Gatilov. Các phái viên từ Syria, Trung Quốc và Venezuela cũng ở lại.

Đại sứ Ukraine Yevheniia Filipenko, người dẫn đầu đoàn các nhà ngoại giao rời bỏ cuộc họp đã cảm ơn những người đã tham gia tiếp lửa cho Ukraine.

"Cảm ơn rất nhiều vì sự ủng hộ tuyệt vời này đối với những người Ukraine đang đấu tranh cho nền độc lập của họ", bà nói với đám đông đang tập trung quanh lá cờ Ukraine lớn bên ngoài phòng họp.

Ngoại trưởng Lavrov đã phát biểu từ xa với Hội đồng Nhân quyền LHQ, sau khi hủy chuyến thăm vì việc đóng cửa không phận châu Âu đối với máy bay Nga.

Trong bài phát biểu của mình, ngoại trưởng Nga đã cáo buộc EU làm gia tăng chiến sự bằng cách cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine trong chiến dịch của Nga.

Nga mô tả đây là hoạt động quân sự đặc biệt nhằm đánh bật "chủ nghĩa phát xít mới" đang cai trị Ukraine.

Các nhà ngoại giao có mặt dự bài phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Hội đồng Nhân quyền "không được lạm dụng làm nền tảng cho thông tin sai lệch".

Đại sứ Đức Katharina Stasch cho rằng những tuyên bố của Nga là "không đúng sự thật".

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly gọi đây là "sai lầm" và "đó là lý do tại sao chúng tôi muốn cùng nhau thể hiện một lập trường rất mạnh mẽ".

Đại sứ Pháp Jerome Bonnafont cho biết "bất kỳ cuộc xâm lược nào cũng đều là vi phạm nhân quyền" và "điều quan trọng là Hội đồng Nhân quyền phải thể hiện rằng họ đoàn kết với Ukraine và với người dân Ukraine".

Trước đó một giờ,  tại một căn phòng gần đó của trụ sở châu Âu ở LHQ cũng diễn ra tình huống tương tự khi bài phát biểu qua video của ngoại trưởng Lavrov được phát sóng tại Hội nghị Giải trừ quân bị, một thể chế được thành lập vào năm 1979 để cố gắng ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh.