Kênh truyền hình NBC dẫn hai nguồn tin được thông báo về động thái này trong Quốc hội Mỹ cho biết, người Mỹ thực hiện việc cung cấp nói trên theo chương trình gói viện trợ quy mô lớn được Nhà Trắng công bố vào tuần trước cho Kiev, bao gồm các loại vũ khí sát thương và không sát thương trị giá 350 triệu USD.
Trong gói viện trợ còn có tên lửa chống tăng Javelin, loại vũ khí chính phủ Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp để "đẩy lùi bước tiến của quân đội Nga."
Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về tin này.
Trước đó, báo Bild của Đức dẫn nguồn tin chính phủ cho biết, vũ khí do Đức cung cấp đã đến Ukraine, cụ thể là 500 tên lửa Stinger và 1000 súng phóng lựu chống tăng Panzerfaust.
"Ba ngày sau, vũ khí của Đức đã tới Ukraine", tờ báo viết, đồng thời lưu ý rằng họ biết tin này "từ giới quan chức chính phủ".
Trong khi đó, trang tin The Montgomery Advertiser dẫn lời các chuyên gia cũng cho rằng, Ukraine đang chiến đấu với người Nga bằng vũ khí từ Troy, Alabama
Illia Ponomarenko, phóng viên chiến trường của tờ The Kyiv Independent của Ukraine đã đăng những bức ảnh trên Twitter ngày 2/3 cho thấy vũ khí có khắc dòng chữ "Javelin Joint Venture Lockheed Martin Troy, AL."
Trong một bài báo năm 2017, Military + Aerospace Electronics đã đưa tin rằng các nhà thầu quốc phòng Raytheon và Lockheed Martin đang chế tạo tên lửa cho Ukraine cùng các chính phủ khác.
Lockheed Martin có cơ sở "sản xuất, lắp ráp cuối cùng, vận hành thử nghiệm và lưu trữ" có trụ sở tại Troy, theo trang web của hãng.
Lockheed Martin cho biết trong tuyên bố ngày 1/3: "Bán thiết bị quân sự cho nước ngoài là các giao dịch của chính phủ với chính phủ và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ về tất cả hoạt động bán thiết bị quân sự cho các đồng minh quốc tế", Lockheed Martin cho biết trong một tuyên bố ngày 1/3. "Các cuộc thảo luận về việc bán hàng cho các chính phủ nước ngoài được chính phủ Mỹ giải quyết tốt nhất."