Nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi đánh giá, chiến sự Nga - Ukraine có thể tác động đến giá một số thành phần thức ăn chăn nuôi do cả Nga và Ukraine đều là những thị trường cung cấp đáng kể lượng ngô, đậu tương, lúa mỳ - những thành phần quan trọng trong thức ăn chăn nuôi cho thế giới.
Theo nguồn tin Reuters, tại thị trường kỳ hạn Chicago, Mỹ, giá đậu tương và ngô trong tháng 2/2022 bình quân tăng so với mức bình quân của tháng trước.
Cụ thể giá bình quân mặt hàng ngô tăng 6%, lên mức bình quân là 650 UScent/bushel và giá đậu tương tăng 12% lên mức bình quân là 1590 UScent/bushel.
Đặc biệt, giá đậu tương và ngô tại phiên giao dịch gần đây tăng mạnh lên, đạt mức cao nhất 8 tháng qua do chiến sự Nga – Ukraine leo thang, làm gián đoạn nguồn cung những lương thực này từ khu vực xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt ở Biển Đen.
Trong khi đó, theo Undercurrent News, Steve Hart, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển thị trường của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine đã dẫn đến việc tăng giá lúa mì.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraine chiếm 12% tổng lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới và dự kiến sẽ cung cấp 16% lượng ngô xuất khẩu của thế giới trong năm nay.
"Giá lúa mì của Mỹ tăng 6% và dấu hiệu cho thấy điều đó gần như hoàn toàn do những gì đã xảy ra ở Ukraine vì tất cả các cảng của Ukraine đều bị đóng cửa" - Hart nói.
Lúa mì được các nhà sản xuất thức ăn thủy sản sử dụng để kết dính các viên thức ăn thủy sản với nhau, trong khi gluten ngô giúp tăng hàm lượng protein trong thức ăn thủy sản cho cá có chế độ ăn giàu protein.
Hart cho biết, ngay cả trước khi xảy ra chiến sự, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá do chi phí tăng, với giá gluten ngô tăng từ 600 USD/tấn lên hơn 850 USD/tấn trong vài năm qua.
Chiến sự Nga - Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu khác, chẳng hạn như phụ phẩm động vật và đậu nành, do "hiệu ứng phân tầng".
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại thị trường trong tháng 2/2022 vẫn duy trì mức giá của trước Tết Nguyên đán.
Nhiều nhà sản xuất vẫn chưa đạt được công suất cao bởi hạn chế về lao động trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biễn khó lường và nguyên liệu đầu vào giá cao.
Cụ thể, các mặt hàng gồm cám gạo tại Bình Phước và Hà Nội đạt mức giá lần lượt là 9.000đ/kg; 8.500 đ/kg; ngô bột tại Bình Phước, Hà Nội có giá là 9.000đ/kg; sắn khô là 8.000đ/kg.
Theo số liệu thống kê, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 2/2022 đạt 199,4 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2022 đạt 551,2 triệu USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 1 năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Achentina, Braxin, Mỹ,...