Chiến sự Nga - Ukraine: Giá ngô tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 10
Chiến sự Nga - Ukraine: Giá ngô tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng lần thứ 10
Trần Khánh
Thứ bảy, ngày 05/03/2022 06:31 AM (GMT+7)
Chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến nhập khẩu bắp (ngô) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Giá bắp và giá thức ăn chăn nuôi nói chung sẽ tiếp tục tăng, gây khó khăn cho người chăn nuôi trong nước.
Giá bắp/giá ngô thế giới tăng vì ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine
Theo dữ liệu từ Công ty CP phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), giai đoạn 2005-2010, xuất khẩu ngô (bắp) của Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 6-8% tổng lượng xuất khẩu bắp của thế giới.
Tuy nhiên, từ năm 2011, nhờ việc mở rộng diện tích và năng suất, xuất khẩu bắp của Nga và Ukraine đã chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu bắp thế giới.
Trong đó, bắp của Ukraine với sản lượng xuất khẩu mỗi năm đạt trên dưới 30 triệu tấn, đứng thứ 4 thế giới; sau Mỹ, Argentina và Brazil.
Tác động từ biến đổi khí hậu khiến giá ngô/giá bắp bình quân năm 2021 đã tăng gần 45% so với mức trung bình giai đoạn 2016-2020 (tăng khoảng gần 2.000 đồng/kg).
Riêng 2 tháng đầu năm 2022, giá ngô (bắp) tiếp tục tăng thêm từ 8-9% so với mức bình quân năm 2021, tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lẫn thực phẩm cho người.
Tính tới trước khi xung đột xảy ra, Ukraine đã xuất khẩu được gần 20 triệu tấn bắp cho năm tài khóa 2021- 2022, chiếm gần 60% tổng lượng bắp xuất khẩu dự kiến.
Ukraine vẫn còn khoảng 13,7 triệu tấn bắp khả dụng cho xuất khẩu trong những tháng còn lại, tương đương lượng xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn/tháng.
Đối với Nga, lượng bắp đã xuất khẩu đạt khoảng 2,2 triệu tấn và còn khoảng 2,3 triệu tấn khả dụng để xuất khẩu; tương đương lượng xuất khẩu trong 1 tháng của Ukraine.
Khi xung đột xảy ra, các cảng nước sâu của Ukraine đồng loạt đóng cửa. Những nước nhập khẩu bắp nhiều nhất từ Ukraine gồm Trung Quốc, EU, Ai Cập, Iran sẽ chịu tác động trực tiếp từ việc nước này tạm ngưng xuất khẩu.
Bên cạnh sự gián đoạn về nguồn cung xuất khẩu thì việc cuộc chiến kéo dài sẽ mang lại những thiệt hại về hạ tầng, về con người, cùng việc dân di cư sang các nước lân cận nhiều hơn.
Điều này có thể khiến cho việc gieo trồng bắp vụ mới tại Ukraine bị ảnh hưởng. Theo dự kiến, nông dân Ukraine sẽ trồng bắp vụ mới vào đầu tháng 4 tới đây.
Chăn nuôi trong nước gặp khó vì giá bắp/giá ngô tăng cao
Mặc dù mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 10-12 triệu tấn bắp từ thị trường thế giới nhưng lượng bắp Việt Nam nhập từ Nga - Ukraine là không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 3% trung bình giai đoạn 2016-2021.
Chất lượng bắp Nga - Ukraine cùng những vấn đề về cỏ dại, khiến các nhà nhập khẩu Việt Nam không chuộng nhập bắp chủng loại này.
Theo Agromonitor, trước thời điểm xảy ra chiến sự Nga - Ukraine, một vài doanh nghiệp Việt Nam đã ký mua 2 tàu bắp Ukraine. Trong bối cảnh nguồn cung bắp Nam Mỹ khan hiếm, giá bắp mua tại cảng ở mức cao, 8.100 đồng/kg.
Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine leo thang có thể khiến cho các tàu bắp này khó rời cảng trong tháng 3 để về Việt Nam.
Agromonitor nhận định, những bất ổn tới từ vận chuyển bắp toàn cầu có thể khiến cho nhập khẩu bắp của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 rơi xuống mức thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Tương đương mức giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước.
Trong trường hợp các tàu bắp Argentina về Việt Nam bị trễ so với dự kiến, thị trường bắp Việt Nam sẽ tiếp tục nóng lên.
Mới đây, Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định chiến sự Nga - Ukraine làm ảnh hưởng lớn đến thương mại thịt toàn cầu.
Ukraine và Nga cùng là những thị trường cung cấp lúa mì, bắp lớn trên thế giới. Các nước nhập khẩu từ châu Á, châu Phi và Trung Đông bị khó khăn bởi giá bắp, bánh mì và thịt tăng cao nếu nguồn cung bị gián đoạn.
Tình hình trong nước, trong tháng 2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 300-500 đồng/kg.
Đây là đợt tăng giá thứ 10 tính từ cuối năm 2020 đến nay khiến người chăn nuôi liên tục phải chịu thua lỗ nặng.
Nhiều chủ trang trại chăn heo gà tỏ ra rất bức xúc trước việc giá thức ăn chăn nuôi tăng. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi liên tục ở mức thấp.
Giá heo hơi liên tiếp giảm kể từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay. Hiện giá heo hơi trên toàn quốc dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg, giảm 4.000-6.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2022.
Giá lợn hơi giảm do sau Tết, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người dân giảm mạnh. Trong khi đó, sản lượng heo vẫn liên tục phục hồi, khiến nguồn cung trên thị trường tăng.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai, số lượng heo tiêu thụ tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) chỉ dao động quanh mức 3.900-4.200 con, nhưng sức tiêu thụ khá chậm.
Cục Xuất Nhập Khẩu nhận định, năm 2022, thị trường chăn nuôi sẽ tiếp tục khó khăn bởi yếu tố dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp. Đồng thời, chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.