Theo ông Bùi Văn Tín, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Huệ (Long An), giờ nguồn cá lia thia trên các cánh đồng trũng, bưng biền ở Đức Huệ gần như cạn kiệt. Muốn có cá thia lia, người dặm bắt phải đi lên giáp biên giới với Campuchia, hoặc sang tỉnh khác.
Cá lia thia có khả năng sinh tồn mạnh mẽ. Cá thích nghi tốt với điều kiện lũ lụt, hạn hán. Cá sinh sản quanh năm. Nhưng với kiểu dặm bắt tận diệt hiện nay, đồng trủng Đồng Tháp Mười gần như cạn kiệt nguồn cá này.
20 năm theo nghề dặm bắt cá lia thia bán, giờ ông Phạm Văn Bổn (xã Thạnh Đông, Đức Huệ) thấm thía khi nguồn cá này cạn kiệt trên đồng.
Ông Bổn nhớ lại, trước đây, nguồn cá lia thia rất dồi dào. Mỗi ngày đi dặm bắt, một người kiếm cả chục kg.
Và rồi, vài năm gần đây, một loạt cơ sở làm mắm cá mọc lên ở địa phương, biến con cá chọi hoang dã thành mắm cá lia thia vang danh khắp nơi.
Hiện, mắm cá lia thia trở thành đặc sản. Giá mắm cá lia thia 150.000 đồng/hũ (50g).
Mỗi ngày, một cơ sở làm mắm cá lia thia thu vào hàng chục đến cả trăm kg cá.
Số lượng dân dặm bắt cá tăng đột biến nhằm cung cấp lượng cá cho các cơ sở làm mắm cá lia thia.
"Giờ nhiều người làm nên lượng cá cạn kiệt", ông Bổn than thở.
Anh Mai Văn Tí (xã Mỹ Thạnh Đông), dù ở tuổi đôi mươi đã có thâm niên 10 năm dặm bắt cá lia thia bán chợ.
Tại huyện Đức Huệ, anh Tí biết rõ đường tơ, kẽ tóc đồng bàng nào có cá nhiều để đi bắt.
Tí thuần tục cách dặm chân, lùa nước, xoay thúng để bắt nhiều, không sót cá.
"Trước cá nhiều lắm. Giờ do khai thác nhiều nên khan hiến", anh Tí chia sẻ.
Cũng theo anh Tí, giờ muốn có cá, phải đi tận biên giới Campuchia hoặc qua tỉnh Tiền Giang.
"Mỗi ngày kiếm được 200.000-400.000 đồng. Bù qua, kéo lại, bữa có bữa không cũng còn sống được", anh Tí nói chỏng chơ.
Công bằng mà nói, lượng cá lia thia cạn kiệt trên đồng không chỉ có nguyên nhân đánh bắt ráo riết.
Một nguyên khác là dự lượng thuốc trừ sâu trên đồng do nông dân phun xịt mùa vụ.
Theo ông Tín, việc thử nghiệm nuôi cá lia thia đồng thương phẩm là nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn cá.
Đề án này do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Huệ phối hợp Khoa Thủy sản (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) thực hiện.
Nếu thành công sẽ triển khai mô hình cho nông dân. Nông dân có thể tận dụng ruộng, trủng, bưng… để lưu trữ, ương và nuôi cá lia thia đồng nhằm nâng cao sản lượng đánh bắt, tăng thu nhập.
Ông Bổn cho rằng, nếu muốn nuôi cá lia thia phải tạo môi trường như tự nhiên, hạn chế nuôi lẫn lộn cá khác tránh hao hụt cá lia thia.
Tuy nhiên, anh Lê Văn Thông, một người dân tại xã Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ) nghi ngờ việc nuôi cá lia thia thương phẩm nhân tạo thành công.
Theo anh Thông, việc đồng bưng bao la, dồi dào cá lia thia còn không đủ cung cấp cho các cơ sở làm mắm thì nuôi nhân tạo nhỏ lẻ chẳng ăn thua.
"Phải đột biến cách nuôi, như nuôi cá lia thia công nghiệp thì may ra", anh Thông hiến kế.