Hiện Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới "nhảy múa".
Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón được đánh giá đã lập đỉnh trong vòng 50 năm qua. Cụ thể, giá phân bón tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiếp tục rục rịch tăng và đang có hiện tượng "găm hàng".
Chẳng hạn, giá NPK đầu trâu (20-20-15) tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được đại lý phân bón Hai Danh "hét" giá 19.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cuối tuần qua. Giá NPK đầu trâu TE (20-20-15) cũng tăng lên 200 đồng/kg, ở mức 19.500 đồng/kg. Giá kali bột khoảng 13,5-13,6 triệu đồng/tấn. Giá ure ở mức 1,03 triệu đồng/bao (50kg).
Riêng giá DAP Trung Quốc xanh thì lên 1,3 triệu đồng/bao nhưng đại lý này cho biết đã được… "ký gửi" hết.
"So với cuối tuần qua, giá phân bón đã tăng từ 300- 700 đồng/kg, tùy loại", đại lý phân bón này cho hay.
Thực tế, giá phân bón tăng mạnh từ đầu tuần này không ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Nguyên nhân khiến giá phân bón trong nước "nhảy múa" là vì giá dầu, giá khí tự nhiên tăng mạnh, trong khi chi phí này nhiều khi chiếm 70-90% chi phí sản xuất (khí thiên nhiên cho sản xuất amoniac).
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Cụ thể, lúc 6 giờ 20 phút ngày 9/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 125,5 USD/thùng, tăng 1,48 USD, tương đương 1,49%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 128 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent cùng thời điểm này của các năm 2019, 2020, 2021 chỉ dao động ở mức 60-80 USD/thùng.
Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó, với mặt hàng phân bón, thị trường hai nước này chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu phân bón.
"Thực tế, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành trồng trọt", đại diện Bộ NNPTNT, nhận định.
Ngoài giá dầu tăng, một nguyên nhân khác khiến giá phân bón trong nước tăng đột biến thời gian qua là vì Nga và Trung Quốc - hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.
Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021, bao gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate. Lệnh này được quốc gia tỷ dân đưa ra mà không có thời điểm kết thúc.
Trong khi đó, ngày 17/11/2021, Nga cũng quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong sáu tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao. Cụ thể, hạn ngạch xuất khẩu phân đạm dự kiến là 5,9 triệu tấn; Hạn ngạch đối với phân bón chứa nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Cần nói thêm, năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD.
Đặc biệt, khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây hôm 26/2/2022 đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication)sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng, trong đó có phân bón của Nga.
Chưa kể, do chiến tranh, việc vận chuyển ammoniac từ Nga qua cảng Yuzhny (cảng chính xuất khẩu phân bón của Nga bị đóng cửa) cũng bị ảnh hưởng mạnh mặc dù Nga chỉ sản xuất dưới 10% ammonia toàn cầu (đứng đầu là Trung Quốc chiếm 32%, tiếp sau là Nga, Ấn Độ, Mỹ).
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung MOP (kali clorua – KCL) toàn cầu, đã ảnh hưởng đến tổng lượng kali xuất khẩu.
Theo dự báo, cơn bão giá phân bón có thể sẽ kéo dài khi các lệnh hạn chế/cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ, nguồn cung các loại phân bón như kali và DAP sẽ giảm mạnh.
Dự báo của Công ty CP Tập đoàn Vinacam cho thấy, hiện các bản chào ure ở mức giá 540 - 560 USD/tấn FOB đều đã bị hủy. Nhà cung cấp Ai Cập đã tăng thêm 140 USD/tấn lên mức 730 USD/tấn FOB; giá chào tới Nola, Mỹ tăng 200 USD/tấn, lên mức 770 USD/tấn CFR.
Điều này có nghĩa trong ngắn hạn, giá ure có thể leo lên 800 – 1.000 USD/tấn trong tháng 4 nếu giá dầu chạm mốc 150 USD/thùng.
Ngoài ure, DAP cũng là mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Nếu căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, giá DAP sẽ trở lại mức 950 USD/tấn FOB trong tháng 4 và khả năng sớm cán mức 1.200 - 1.500 USD/tấn khi thị trường Brazil có nhu cầu trở lại.
Ngoài ra, giá kali cũng có thể tăng phi mã khi Belarus và Nga, hai nhà cung cấp chiếm đến 40% nguồn cung toàn cầu bị cấm vận.
Trước tình hình này, Vinacam dự báo rằng sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP 64% nhập khẩu trong quý II và khả năng giá trong nước tăng lên 25 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá ure có thể trở lại mức 18 triệu/tấn như đỉnh điểm của năm 2021.
Riêng với kali, do 100% kali của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, Vinacam cho rằng giá kali sẽ sớm cán mức 15 - 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.
Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 - 1.200 USD/tấn thì kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 - 25 triệu đồng/tấn.