Dân Việt

Tổng thống Nga Putin cảnh báo gì về giá lương thực thế giới sau đòn trừng phạt của Mỹ, EU nhắm tới Nga?

K.Nguyên 13/03/2022 13:02 GMT+7
Tổng thống Nga Putin cho rằng, các đòn trừng phạt kinh tế Mỹ, EU nhắm vào Nga sau chiến sự Nga - Ukraine sẽ làm giá lương thực toàn cầu phi mã.

Giá lương thực, giá nông sản toàn cầu tăng sau chiến sự Nga - Ukraine

Ngay sau chiến sự Nga - Ukraine nổ ra kèm theo đó là các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU nhắm tới Nga, giá nhiều loại nông sản, vật tư nông nghiệp thế giới đã tăng cao, do cả Nga và Ukraine đều là nguồn cung lớn phân bón, lúa mỳ, ngô, đậu tương, gỗ nguyên liệu của thế giới.

Theo đó, chỉ sau hơn một tuần chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, giá lúa mỳ giao dịch tại Chicodo (Mỹ) đã tăng hơn 3% trong phiên đầu tháng 3/2022, lên mức cao nhất kể từ năm 2008, theo đó, giá lúa mỳ đạt 10,1125 USD/bushel, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2008 là 10,23 USD/bushel.

Nga và Ukraine chiếm tổng cộng khoảng 29% xuất khẩu lúa mỳ trên thế giới, 19% ngô xuất khẩu và 80% dầu hướng dương.

Trong khi đó, ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) cho rằng, thế giới đang đến bên bờ một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Tổng thống Nga Putin cảnh báo gì về giá lương thực thế giới sau đòn trừng phạt của Mỹ, EU nhắm tới Nga? - Ảnh 1.

Giá lương thực, giá nông sản toàn cầu tăng sau chiến sự Nga - Ukraine. Ảnh: I.T

Ông Holsether nhận định trên CNN Business: "Không phải liệu chúng ta có sắp hứng chịu một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào".

Trên thực tế, chỉ sau hơn 2 tuần chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, giá các mặt hàng nông sản được sản xuất ở khu vực này đã tăng chóng mặt. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G7 "vẫn quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực". 

Ở một diễn biến khác, do lo sợ thiếu lương thực, một số quốc gia đang có ý định tạm ngừng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản do lo ngại nguồn cung trong nước.

Ví dụ, Ai Cập vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu nành còn Indonesia cũng đã thắt chặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu cọ.

Giá phân urea ở mức cao cũng đang làm khó nông dân toàn cầu. Theo đó, giá phân urea đã được giao dịch gần mức 1.000 USD/tấn, gấp khoảng 4 lần mức giá đầu năm 2021. 

Sau chiến sự Nga - Ukraine, Tổng thống Nga Putin cảnh báo gì?

Trước các đòn trừng phạt của Mỹ, Eu nhắm đến Nga sau chiến sự Nga - Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp với Chính phủ Nga đã đưa ra cảnh báo, giá lương thực toàn cầu sẽ còn tăng nếu các quốc gia phương Tây gia tăng sức ép đối với Nga, một nhà sản xuất phân bón lớn.

Theo ông Putin, nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục cản trở nguồn tài chính và logistic đối với việc giao hàng các sản phẩm của Nga, đặc biệt là phân bón, khi đó giá cả sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng là lương thực, thực phẩm.

Nga cũng vừa cấm xuất khẩu một số loại gỗ tới 43 quốc gia và vùng lãnh thổ "có hành động không thân thiện" với nước này, trong khi khoảng 20% diện tích rừng trên thế giới nằm ở Nga.